Tàu ngầm - thú chơi đắt đỏ của giới siêu giàu

Ẩn mình trong một khu công nghiệp ở Vero Beach, bang Florida, kỹ sư John Ramsay đang cặm cụi vẽ thiết kế tàu ngầm mới, hứa hẹn về loại tàu có khả năng lặn xuống 5 điểm sâu nhất dưới đáy đại dương.

Tàu ngầm - thú chơi đắt đỏ của giới siêu giàu
p02wjb2b-8195-1437558776.jpg

Một tàu ngầm của công ty Triton. Ảnh: BBC

"Đó là một lĩnh vực mới, chắc chắn làm thay đổi ngành công nghiệp chế tạo phương tiện hiện thời," Ramsay, 34 tuổi, nhân viên công ty Tàu ngầm Triton, Mỹ, cho biết. Con tàu trị giá 25 triệu USD, buồng điều khiển chứa được hai người, cần đến 6 tháng để thiết kế và hai năm để hoàn thiện.

"Chưa có ai đóng nổi tàu ngầm cá nhân có thể tái sử dụng nhiều lần, mà chúng tôi thì đang cố làm điều đó," Ramsay tiết lộ.

Khách hàng của anh là một trong số ít người coi chiêm ngưỡng đáy đại dương là thú vui mới. Một thế hệ tỉ phú mới, muốn trở thành Jacques Cousteau - nhà thám hiểm đại dương nổi tiếng thế giới, và họ sẵn sàng chi bộn tiền để hiện thực hóa điều đó.

Để bắt đầu thú chơi này, cần ít nhất 3 triệu USD mua một chiếc tàu ngầm cá nhân và phí tổn đi kèm. Con tàu không chỉ phục vụ thú phiêu lưu đáy biển, mà còn cho phép các nhà tỉ phú mặc sức nghiên cứu và khám phá đại dương. Một thập kỷ trước chưa ai dám nghĩ tới điều này.

"Đây là một xu hướng mới, một mặt vì thật là oách khi sở hữu một chiếc tàu ngầm, mặt khác, một cá nhân có thể tự nghiên cứu bằng phương tiện này," Charles Kohnen, chủ sở hữu công ty đóng tàu SEAmagine Hydrospace ở California nói.

"Đây không chỉ là nỗ lực đi tới nơi chưa từng có ai đặt chân đến. Đây còn là chuyện đi tới nơi chưa ai đặt chân đến - rồi quay về và kể lại cho người khác nghe."

Tương lai

Theo Kohnen, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm cá nhân vẫn còn non trẻ, khi chỉ có 4 công ty, sở hữu 20-30 tàu ngầm tư cho thuê trên toàn cầu. Kohnen là nhà đóng tàu tiên phong, công ty của ông bán chiếc tàu đầu tiên năm 2000.

Họ thường xuyên nhận được yêu cầu thuê tàu, với cái giá lên tới 30.000 USD/ngày. Một vài con tàu được các nhà tỉ phú thuê lại, để phục vụ kỳ nghỉ mang tính phiêu lưu. Những con tàu khác được cho các nhóm nghiên cứu mượn lại, nhằm tìm hiểu cuộc sống dưới đại dương hoặc khám phá những con tàu đắm.

Hiếm có tổ chức nghiên cứu nào đủ năng lực tài chính để mua một con tàu ngầm. Chi phí bảo trì, bảo dưỡng hoặc đưa nó ra biển quá đắt đỏ. Do đó, khôn ngoan nhất là hợp tác với các chủ sở hữu tư nhân.

Năm 2013, các nhà nghiên cứu du hành trong một chiếc tàu ngầm tư nhân ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, lần đầu tiên quay lại được hình ảnh một con mực khổng lồ trong môi trường tự nhiên.

Tháng 3 năm nay, một nhóm khác sử dụng tàu ngầm của tỷ phú Paul Allen - người đồng sáng lập hãng Microsoft, đã tìm thấy Musashi - chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân thế giới của Nhật Bản, bị đánh chìm ngoài khơi biển Philippines trong Thế Chiến II. Nó trúng ngư lôi và bom rồi chìm xuống đáy biển cùng với chỉ huy tàu - đô đốc Toshihira Inoguchi.

Năm 2012, đạo diễn nổi tiếng Hollywood James Cameron phá vỡ kỷ lục lặn cá nhân xuống tầng biển sâu nhất, khi dùng tàu ngầm của mình thám hiểm Mariana Trench, điểm sâu nhất dưới đáy biển phía tây Thái Bình Dương. Tàu ngầm của Cameron không được thiết kế để đi vào vùng nước sâu có áp lực lớn, nó phải "về hưu" sau chuyến đi đầu tiên và duy nhất đó.

461px-Marianatrenchmap-5699-1437558776.p

Mariana Trench, điểm sâu nhất thế giới (màu đỏ) dưới đáy biển tây Thái Bình Dương. Đồ họa: Wikipedia

Hầu hết các tàu ngầm tư nhân có thể lặn xuống độ sâu tối đa 1.000 m. Thách thức lớn nhất về đóng tàu là khoang hành khách, nơi dễ bị vỡ nhất khi lặn sâu xuống đáy biển.

Theo Ramsay, tất cả tàu ngầm của công ty Triton có khoang hành khách như một quả bóng khổng lồ làm bằng nhựa acrylic dày 16,5 cm, sản xuất tại Đức giá một triệu USD. Để lặn sâu hơn, con tàu phải được chế tạo bền hơn, đồng nghĩa với chi phí chế tạo kính chịu lực tốn gấp 4-5 lần.

Hiệu quả của những tàu ngầm tư nhân trong nghiên cứu và thăm dò chưa rõ ràng, George Bass, giáo sư danh dự Chương trình Khảo cổ, đại học A&M, Texas, cho biết. Bass là một trong những người tìm thấy nhiều tàu đắm nhất thế giới, đặc biệt là tàu đắm khu vực Địa Trung Hải. Ông từng phát hiện 14 xác tàu một tháng, khi sử dụng tàu ngầm của SEAmagine thám hiểm ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Bass ngờ rằng ít chủ sở hữu tàu ngầm tư nhân gặp may mắn tương tự.

"Có thể họ vô tình tìm thấy tàu đắm hoặc có phát hiện mới," Bass nói. "Tuy nhiên, nó còn đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu và vốn hiểu biết để hiện thực hóa điều đó."

Vì khoa học

Tại Costa Rica, con tàu ngầm có tên DeepSee (Biển sâu) được các nhà du hành mạo hiểm, nghiên cứu viên và nhà khoa học sử dụng để lặn xuống khu vực quanh đảo Cosco, cách đất liền khoảng 560 km. Khu vực biển này có dòng chảy chéo vô cùng độcc đáo, khiến vùng nước xung quanh đảo rất giàu những loại san hô và sinh vật biển quý hiếm, từ động vật giáp xác cho đến cá mập voi.

Theo Shmulik Blum - người điều hành chiến dịch tìm kiếm, chủ sở hữu của DeepSee là một công ty tư nhân cùng tên, cho các nhà nghiên cứu ở đại học Costa Rica mượn tàu miễn phí. Nhờ đó, họ tìm được những sinh vật biển mới mà chưa ai từng thấy.

Hai năm trước, các nhà nghiên cứu người Costa Rica phát hiện một họ san hô mới. Đã 40 năm mới có một phát hiện như thế, Blum nói. Đây là họ san hô thân mềm, sống ở vùng nước sâu, nơi ánh sáng không lọt tới và nó không có bất kỳ màu sắc gì. Bằng cách sử dụng robot thăm dò tự động DeepSee, các nhà khoa học đã lấy được mẫu đem về phân tích.

"Thông thường, rất khó tiếp cận vùng nước sâu để tìm hiểu đầy đủ về nó," Blum nói. "Một khi con người xuống được dưới đó, chân trời mới sẽ mở ra trước mắt."

Blum đang nói chuyện qua điện thoại từ văn phòng của DeepSea ở cảng Puntarenas. Vài giờ sau, ông và nhóm lặn chuẩn bị cho hành trình mới, dài một ngày rưỡi lặn xuống đáy biển đảo Coscos.

"Rất có thể chuyến này chúng tôi sẽ có phát hiện mới," ông nói. "Có trời mới biết được."

deepflight-2177-1437558776.jpg

Deepflight Super Falcon, con tàu thiết kế giống như cá voi trị giá 2,1 triệu USD.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ