Bữa cơm tất niên chiều cuối năm là khoảnh khắc thiêng liêng đối với hầu hết mọi người vì đây là buổi họp mặt cuối cùng của cả gia đình trong năm cũ, ôn lại những vất vả, buồn vui để chuẩn bị sang một năm mới tràn đầy hi vọng.
Cũng chính bởi ý nghĩa đó mà bất cứ người Việt Nam nào, cứ mỗi khi Tết đến, xuân về lại dồn cảm xúc, nhớ mong về bữa cơm sum họp cuối năm, để ở nơi đó được đoàn viên sum họp đủ đầy và mong một cái Tết trọn niềm vui.
Như thông lệ, trong tâm tư mỗi người Việt, tâm thế đón Tết và sắm sửa Tết đã bắt đầu từ nhiều ngày trước, nhưng đến ngày 30 tháng Chạp, không khí tất bật vẫn còn hiện hữu. Ai cũng tranh thủ những giờ phút còn lại ngắn ngủi của năm cũ để mong 3 ngày Tết được chu toàn.
Chị em phụ nữ đi chợ sắm sửa nốt những thứ cần thiết như cau trầu, gia vị, hoa tươi. Đàn ông trong nhà thì chăm lo cho bàn thờ, mời đón gia tiên về ăn Tết bên con cháu. Trẻ nhỏ lăng xăng quét nhà, lau thêm bàn ghế…
Bên cạnh những tất bật công việc ấy, mọi người đều ý thức cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tất niên sao cho chu đáo, đủ đầy, đầm ấm.
Bữa cơm tất niên - bữa cơm đoàn viên cũng vì thế mà thêm ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại, là sợi dây vô hình kết nối các thành viên, các thế hệ mỗi độ Tết đến, xuân về.
Theo quan niệm của người Việt, gia đình nào bữa cơm ấy càng đông đủ, càng nhiều thế hệ quây quần càng chứng tỏ cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Sự đủ đầy về tinh thần và vật chất trong bữa cơm tất niên là niềm tự hào của mỗi thành viên trong gia đình.
Còn gì hạnh phúc và thanh bình hơn khi trong không khí ấm áp, khói trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ… con cháu thưa chuyện với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc, những điều chưa hoàn thành và chuyện tình cảm, hi vọng về một năm mới thuận lợi, bình an…
Ông bà, cha mẹ cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó có việc phải đến chúc tết, thăm hỏi những cụ cao niên trong họ, ngoài làng,…
Bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Nhiều gia đình thức gần trọn đêm 30 để tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.
Sau lễ cúng giao thừa, các gia đình thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ để con cháu chúc phúc ông bà, cha mẹ. Người lớn cũng dành những đồng tiền lẻ còn mới để mừng tuổi con trẻ, mong chúng mạnh khỏe, ngoan ngoãn học hành giỏi giang, tiến bộ.
Với những ý nghĩa thiêng liêng về tâm linh và gần gũi với tâm lý con người nên dù ở bất kì độ tuổi nào, mỗi khi Tết sắp về, cảm giác hồi hộp, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới cùng những người thân mỗi năm vẫn vẹn nguyên các giá trị.
Bữa cơm tất niên chiều 30 gợi nhắc nhiều điều và ấn tượng của nó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm nhớ thương da diết của mỗi người dân đất Việt, kể cả những người Việt xa xứ hay đang sống ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này mỗi khi xuân về, Tết đến.