Chi tiêu ngày tết: “Khéo co thì ấm!“

Ông bà ta vốn có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nên với các mức thu nhập dù cao thấp khác nhau, mỗi người đều có thể tính toán hợp lý để chuẩn bị được một cái Tết trọn vẹn cho mình và người thân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cầm số tiền thưởng tết vỏn vẹn nửa tháng lương trên tay, chị Hiền quay sang nói với người đồng nghiệp thân thiết bên cạnh: “Em ước chừng số tiền này chỉ đủ dùng cho 1/10 cái Tết chị ạ".

Thật tình, với bốn triệu đồng này, chị Hiền không biết làm sao để đối mặt với trăm nỗi lo ngày Tết: nào tiền tàu xe, tiền quà cáp, kẹo bánh khi về quê, tiền mua áo quần mới cho các con,… 

Thiếu khoản nào thì Tết lại bớt trọn vẹn đi một chút. Nên chị chỉ biết bấm bụng, thầm hi vọng số tiền thưởng cuối năm của anh nhà có thể khá khẩm hơn.

Nhưng chị cũng chẳng thể vui hơn được khi về nhà và nhìn thấy gương mặt đượm buồn của anh. Một năm khó khăn, công việc của anh cũng tiến triển không tốt, nên số tiền anh nhận được cũng chả hơn chị là bao. 

Hai vợ chồng đành ngậm ngùi gom góp, bàn nhau chỉ chi tiêu cho những khoản thật sự cần thiết là tiền tàu xe và tiền biếu bố mẹ hai bên. Còn bao nhiêu, anh chị chắt bóp để ra Tết còn đóng học phí cho con.

Cùng nỗi lo của các bà nội trợ, chị Lan, nhân viên của một công ty nước ngoài cũng canh cánh trong lòng khi chỉ nhận được tiền Tết là một tháng lương thứ 13, không hơn. 

Nếu không cố gắng co kéo, thì ra Tết, vợ chồng chị sẽ chẳng còn đồng tích trữ nào. Vậy nên, cả chị và anh Phong – chồng chị cùng nhau thức đến tận khuya để cân nhắc, lập ra một danh sách cụ thể các khoản cần tiêu trong ngày Tết.

Với hạn mức định sẵn và phương châm “bớt được khoản nào hay khoản đấy, rút xuống được chút nào tốt chút đấy”, cuối cùng anh chị cũng có một kế hoạch tạm gọi là hài lòng. Ví dụ như, thay vì mua áo quần mới cho vợ chồng, thì anh sẽ dùng bộ comple đồng phục cơ quan để đi chúc Tết, còn chị sẽ lựa chiếc váy đẹp nhất của mình để mặc trong ngày mùng 1. Tiền áo quần cho thằng cu Tý từ định mức 500 nghìn, rút xuống còn 300 nghìn. 

Tiền mừng tuổi các cháu nội ngoại hai bên từ 50 nghìn bây giờ chỉ còn là một tờ 20 nghìn mới cứng mà chị Lan đã tranh thủ đổi được một tập từ ngân hàng. Tiền quà cáp cho hai bên gia đình cũng được gạt bớt. Anh chị sẽ chỉ mua cho mỗi bên một túi quà khoảng 500 nghìn và biếu ông bà nội, ngoại mỗi bên 2 triệu đồng để sắm Tết. 

Còn đến khi về quê, anh chị sẽ liệu tình hình thực tế mà chi tiêu sắm sửa hợp lý trong việc thờ cúng, trang hoàng nhà cửa hay bánh kẹo tiếp khách… với ngân sách không vượt quá 2 triệu đồng.

Nhờ việc lên danh sách cụ thể những khoản chi cần thiết như vậy, vợ chồng chị Lan sẽ có thể chủ động hơn trong việc mua sắm, lại có thể bớt thời gian lang thang ở những gian hàng khuyến mãi hay đi xem những thứ không cần thiết. Và tính ra, hai người vẫn sẽ còn một ít tiền dự trữ sau những ngày đầu năm mới.

Xông xênh hơn trong việc chi tiêu ngày Tết phải kể đến nhà anh Cường, trưởng phòng kinh doanh của một công ty có tiếng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh số cuối năm của cả phòng vượt mức hạn định nên anh được nhận hẳn 50 triệu đồng tiền thưởng Tết. 

Với quan niệm phải ăn một cái Tết hoành tráng để cả năm sau làm ăn phát đạt, anh không ngại chi tiền mua một cây mai có thế đẹp, trị giá 3 triệu đồng để trang trí cho “sang cửa mát nhà”. 

Vợ chồng anh cũng cùng nhau đi siêu thị, mua các giỏ quà gồm rượu, bánh, trà đều là hàng ngoại nhập và các loại mứt Tết, ô mai, bánh kẹo mà anh chị đoán biết ở quê không có. Xong đâu đấy, anh chị đóng hẳn một thùng to, gửi xe về quê trước cho các cụ, để tránh cập rập trong những ngày cuối năm. 

Anh còn nhờ người quen mua thêm những đặc sản ở các vùng miền khác, như hai cân thịt trâu gác bếp Sơn La, lợn mán nguyên con từ Lạng Sơn để góp phần làm ngày Tết thêm rộn ràng. Nhiệm vụ còn lại của vợ chồng anh chỉ còn là đến chơi nhà một vài đồng nghiệp và sắm sửa áo quần tươm tất cho cả gia đình để chuẩn bị đón Xuân sang.

Ông bà ta vốn có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nên với các mức thu nhập dù cao thấp khác nhau, mỗi người đều có thể tính toán hợp lý để chuẩn bị được một cái Tết trọn vẹn cho mình và người thân. 

Theo cá nhân người viết, mỗi gia đình đều nên dành ra một khoản cố định cho việc chi tiêu trong những ngày cuối năm với bản danh sách được lập nên một cách chi tiết, và hợp lý nhất có thể.

Theo Congluan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ