Tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ giáo dục quan trọng

GD&TĐ - Sáng 5/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Đây là thời điểm toàn ngành Giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Đây cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị triển khai sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2023 - 2024; là thời điểm diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV,…

Trước bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương; sự quyết tâm, đồng lòng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ; sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các đơn vị, Bộ GD&ĐT đã tích cực tổ chức triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cùng nhiều nhiệm vụ khác và đạt được một số kết quả quan trọng.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, các đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2023 của Bộ, của ngành.

Nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, ngành Giáo dục, không để sót. Các nhiệm vụ được triển khai cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác xây dựng và triển khai chương trình soạn thảo văn bản và kế hoạch nhiệm vụ được thực hiện tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ GD&ĐT tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản. Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 văn bản và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư, 5 quyết định cá biệt. Chuẩn bị chu đáo tài liệu phục vụ Bộ trưởng tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV và trả lời kịp thời các kiến nghị của cử tri.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Cùng với đó, triển khai thử nghiệm một số nội dung trong Chương trình Giáo dục mầm non mới tại một số địa phương. Phê duyệt sách giáo khoa lớp 4, sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10; tài liệu Hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt 5 (dành cho học sinh lớp 5 vùng dân tộc thiểu số).

Bộ GD&ĐT đồng thời hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 để sử dụng từ năm học 2023 - 2024; chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12; thẩm định sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3 (vòng 1). Tổ chức kiểm tra tại một số địa phương về việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện quy định về công tác lựa chọn sách giáo khoa chuẩn bị triển khai năm học 2023 - 2024 và việc biên soạn, phát hành, sử dụng tài liệu giáo dục địa phương; tập huấn sử dụng sách giáo khoa.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng tích cực triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kế hoạch số 59/KH-GS về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Trong đó có tham dự đoàn giám sát thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại một số địa phương; chuẩn bị tài liệu để Đoàn giám sát làm việc với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tham gia đoàn giám sát thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại một số địa phương.

Một kết quả khác là tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, với 1.012.398 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,86% so với số thí sinh đăng ký dự thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đạt thành tích cao. Đồng thời, giáo dục Việt Nam cũng được đánh giá nằm trong nhóm những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

6 tháng đầu năm, Bộ GD&ĐT đồng thời tổ chức thành công và tham dự nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương; tổ chức thành công các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ, một số Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế...

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ của Bộ trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Số lượng các văn bản trình, ban hành theo thẩm quyền còn chậm. Việc triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 còn chậm tiến độ, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ về triển khai xây dựng quy hoạch. Tỷ lệ giải ngân còn thấp...

Trong sáng 5/7, Bộ GD&ĐT cũng công bố một số quyết định về công tác nhân sự.

Trong sáng 5/7, Bộ GD&ĐT cũng công bố một số quyết định về công tác nhân sự.

Nhấn mạnh một kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, các đơn vị, cục, vụ đã cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm thì tiếp tục phát huy tinh thần này, đẩy nhanh tốc độ các nội dung công tác; trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và giải ngân đầu tư công.

Về công việc trong thời gian tới, nhiệm vụ lớn nhất được Bộ trưởng lưu ý cần tập trung cao độ là triển khai tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Cùng với đó, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật; tiếp tục hoàn thiện và trình ban hành quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về học phí…

Một số công việc khác được Bộ trưởng nhấn mạnh liên quan đến in ấn, phát hành sách giáo khoa cho năm học 2023-2024; thẩm định sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 các lớp tiếp theo; tập huấn tăng cường cho đội ngũ giáo viên; công tác chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH- CĐ, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới...

Bộ trưởng đồng thời yêu cầu chuẩn bị tốt một số hội nghị quan trọng, như: Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT; Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới; chương trình gặp mặt của Bộ trưởng với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023; Hội nghị vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ và một số hội nghị chuyên đề khác…

Trong sáng 5/7, Bộ GD&ĐT cũng công bố một số quyết định về công tác nhân sự. Trong đó, kéo dài giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non đối với ông Nguyễn Bá Minh; bổ nhiệm lại Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất Phạm Văn Sinh; tiếp nhận ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực về công tác tại Văn phòng Bộ và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.