Bộ GD&ĐT thông tin giải pháp đồng bộ triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT trả lời của tri tỉnh An Giang về giải pháp đồng bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cung ứng SGK phục vụ dạy-học

Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học.
Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học.

Cụ thể, cử tri tỉnh An Giang đề nghị có giải pháp đồng bộ trong thực hiện Thông tư số 32/2018/TT- BGD&ĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình; hiện nay gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học do thiếu sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 8.

Giải pháp triển khai Chương trình GDPT 2018

Về các giải pháp đồng bộ trong thực hiện Thông tư số 32/2018/TT- BGD&ĐT ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT cho biết:

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT ngày 26/12/2018 về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình thực hiện đến năm học 2024 - 2025. Trong thời gian qua Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể:

Yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình và rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của từng địa phương. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn thực hiện đầu tư cơ sở vật chất.

Ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để bảo đảm linh hoạt, phù hợp việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình. Ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Ban hành Quy chế và Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Xây dựng nội dung tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Xây dựng tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Viên chức, tạo hành lang pháp lý để thực hiện các chính sách liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát số lượng, cơ cấu, chất lượng và các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để đề xuất bổ sung, hoàn thiện.

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền trên phạm vi cả nước về mục tiêu, nguyên tắc, định hướng, các giải pháp chủ yếu xây dựng, biên soạn và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; thực hiện các chuyên đề truyền thông gắn với từng nội dung, chủ điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng của Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam...

Ban hành Công văn hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn triển khai Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT thực hiện việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT ngày 22/12/2017 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa mới; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa mới; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa mới theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương làm cơ sở, căn cứ để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tại các địa phương cũng như các đơn vị của Bộ được phân công triển khai nhiệm vụ.

Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học.

Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học.

Bảo đảm cung cấp đầy đủ sách giáo khoa

Về việc gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học do thiếu sách giáo khoa đặc biệt là sách giáo khoa lớp 8, Bộ GD&ĐT cho biết: Để chuẩn bị triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa kịp thời cho các địa phương lựa chọn và sử dụng (theo Thông tư số 01/2020/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 25/2020/TT-BGD&ĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông).

Mặc dù vẫn kịp thời để địa phương lựa chọn, các nhà xuất bản tổ chức xuất bản, phát hành nhưng do sách giáo khoa được biên soạn bằng hình thức xã hội hóa, làm cuốn chiếu nên việc biên soạn của các tổ chức, cá nhân còn chậm. Việc thẩm định cũng bị chậm so với kế hoạch vì dịch COVID-19 (không họp được Hội đồng thẩm định theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT đã đặt ra). Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn và các nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa.

Đối với SGK của lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các nhà xuất bản để nắm bắt nhu cầu số lượng mỗi đầu sách giáo khoa, lên phương án in ấn, phát hành, cung ứng sách giáo khoa đảm bảo phục vụ dạy và học trước thềm năm học mới. Việc cung ứng phát hành sách giáo khoa đã được tổ chức bài bản, khoa học, trách nhiệm, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa và đảm bảo cho học sinh, nhà trường có đủ sách giáo khoa trước khi khai giảng năm học mới.

Đối với sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 để tổ chức dạy, học từ năm học 2023 - 2024, hiện nay Bộ đã phê duyệt để các địa phương lựa chọn. Như vậy, đối với lớp 8 và lớp 11 đã phê duyệt sách giáo khoa sớm hơn 1 tháng so với lớp 7 năm học trước.

Để bảo đảm cung cấp đầy đủ sách giáo khoa của những lớp tiếp theo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản căn cứ vào số lượng đăng ký của các địa phương tổ chức in và phát hành đủ theo nhu cầu cụ thể của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ