Nhiều giải pháp được các trường lên kế hoạch triển khai để dạy học có hiệu quả chương trình mới cho hai lớp cuối cấp.
Bồi dưỡng chuyên môn - yếu tố then chốt
Bồi dưỡng giáo viên là yếu tố then chốt. Khẳng định điều này khi chia sẻ về việc chuẩn bị cho năm học mới, Chương trình GDPT 2018 triển khai với lớp 12, cô Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho biết, nhà trường đã tập trung nhiều cho công tác bồi dưỡng và sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo để thầy cô nắm vững chương trình mới, bảo đảm truyền đạt kiến thức đúng, hiệu quả.
Cùng với chú trọng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ, nhà trường cũng thực hiện song hành 3 giải pháp khác là: Xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.
“Với đặc thù lớp 12, chúng tôi sẽ điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để vừa bảo đảm hoàn thành chương trình mới, vừa đáp ứng tốt yêu cầu thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Kênh liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh được trường thiết lập; đồng thời, tổ chức các buổi họp phụ huynh để cùng thảo luận về chương trình mới, từ đó hỗ trợ học sinh đạt kết quả tốt nhất. Nhà trường cũng triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, học tập, giúp học sinh tiếp cận kiến thức linh hoạt, hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang chia sẻ.
Đồng quan điểm về vai trò của đội ngũ, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) nhấn mạnh đến giải pháp cho năm học mới là đẩy mạnh quản trị hoạt động dạy học, giáo dục gắn liền với quản trị nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài chính thông qua xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.
Triển khai việc này cần phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường công tác bồi dưỡng cho đội ngũ, lựa chọn nội dung, hình thức bồi dưỡng hiệu quả; tăng cường sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Hướng đến thầy cô thực hiện hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá, bảo đảm phát huy phẩm chất, năng lực học sinh; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy.
Ngoài yếu tố nhân lực, ông Phạm Văn Ngát cho rằng, cần thực hiện hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, cha mẹ học sinh về Chương trình GDPT 2018; từ đó tích cực hỗ trợ nhà trường, đồng hành cùng học sinh trong thực hiện đổi mới giáo dục. Nhà trường tích cực tham mưu với địa phương, cấp trên, huy động nhiều nguồn lực để từng bước xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Với Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cũng là giải pháp chủ đạo để sẵn sàng cho năm học mới chất lượng. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến cho hay, nhà trường đã tập trung bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ, đặc biệt là giáo viên dạy Khoa học tự nhiên và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Phân công thầy cô có chuyên môn vững, nhiệt tình, nhiều ý tưởng sáng tạo dạy khối 9 nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra. Các hoạt động chuyên môn cũng được nhà trường tăng cường, như dạy chuyên đề, thi giáo viên giỏi, thi làm bài giảng điện tử..., giúp giáo viên có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Bài học từ đổi mới
Chương trình GDPT 2018 triển khai được 4 năm ở tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT. Thực tiễn triển khai, nhiều bài học được rút ra để thực hiện hiệu quả hơn trong năm học mới.
Theo cô Nguyễn Thị Diễm Trang, sau những năm triển khai, nhà trường nhận thấy, việc liên tục hỗ trợ giáo viên qua tập huấn và cung cấp tài liệu vô cùng cần thiết. Trường THPT Võ Văn Kiệt sẽ tiếp tục duy trì điều này. Cùng với đó là phát triển học liệu đa dạng, nhà trường đã, đang cập nhật, mở rộng các tài liệu học tập, bảo đảm các em có thể tiếp cận kiến thức tốt nhất.
Bài học tiếp theo là phản hồi liên tục và phát triển kỹ năng cho học sinh. “Chúng tôi thường xuyên thu thập phản hồi từ giáo viên, học sinh và phụ huynh để kịp thời điều chỉnh chương trình, bảo đảm hiệu quả giảng dạy. Trong dạy học, giáo dục, nhà trường không chỉ chú trọng vào kiến thức mà còn tập trung phát triển các kỹ năng tư duy, sáng tạo, giúp học sinh chuẩn bị tốt cho tương lai”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang chia sẻ.
Còn với Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát, bài học đầu tiên rút ra sau một số năm triển khai chương trình mới là làm tốt công tác truyền thông. Việc này giúp nhận thức về đổi mới giáo dục của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh được nâng cao.
Đồng thời, giao quyền tự chủ, phát huy tính chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ trong thực hiện chương trình, tạo thay đổi tích cực trong triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục. Khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học hiệu quả, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng giáo dục của mỗi trường.
Cuối cùng, đổi mới hình thức tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt tổ nhóm, cụm chuyên môn giúp cải thiện chất lượng đội ngũ. Định kỳ đánh giá để có sự điều chỉnh phù hợp về công tác quản lý, giảng dạy cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục.
Triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 9, Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) thực hiện phân công đúng trình độ, chuyên ngành, ưu tiên giáo viên nhiều kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập theo từng chủ đề, ôn tập cuốn chiếu và lặp lại nhiều vòng; tăng cường kiểm tra, khảo sát theo định hướng của sở GD&ĐT. Nhà trường cũng tiếp tục liên hệ chặt chẽ, thông tin kịp thời về tình hình học tập, rèn luyện của học sinh tới phụ huynh.
“Bài học được nhà trường rút ra là cần đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; môn học, hoạt động giáo dục mới như Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.
Đồng thời, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục xây dựng kho bài giảng điện tử của trường, sử dụng hiệu quả kho bài giảng của Bộ/sở GD&ĐT. Trong giai đoạn tiếp theo, triển khai chương trình mới đi vào chiều sâu, việc phải làm là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo vị trí việc làm mới”, cô Phó Hiệu trưởng Lê Thị Hương Mai cho hay.
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên học sinh khối 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018. Phương án thi, cấu trúc đề thi và định hướng thi sẽ có nhiều đổi mới để đánh giá đúng năng lực học sinh, tránh học tủ, học gạo. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các nhà trường, thầy cô.
Do đó cần tập trung, thống nhất định hướng dạy học, ôn thi cho học sinh bằng các buổi hội thảo, tọa đàm, chia sẻ để giáo viên nắm bắt kịp thời; tăng cường đổi mới kiểm tra đánh giá, khảo sát học sinh để điều chỉnh các phương thức thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. - Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội)