Triển khai Chương trình mới: Dồn lực cho 3 lớp cuối cấp

GD&TĐ - Vì đã có một số năm triển khai Chương trình mới nên chuẩn bị dạy lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo CT mới từ năm học 2024 - 2025 có nhiều thuận lợi.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cơ sở giáo dục, địa phương sớm lên kế hoạch cho lớp cuối cùng, trong đó nhận diện khó khăn để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Chuẩn bị sớm điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất

Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) đã sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 9. Thông tin từ thầy Phó Hiệu trưởng Trịnh Đức Đô, thực hiện chỉ đạo của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 9 có trình độ đào tạo chuẩn, chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm lâu năm dạy lớp 9; cử giáo viên cốt cán, dự kiến dạy lớp 9 năm học 2024 - 2025 tham dự lớp tập huấn do Bộ/sở/phòng GD&ĐT tổ chức.

Bảo đảm 100% giáo viên dạy lớp 9 được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình, sách giáo khoa, kỹ thuật, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

“Nhà trường đồng thời chủ động tu sửa phòng học, đầu tư trang thiết bị cơ bản để phục tốt công tác giảng dạy lớp 9. Đến nay, trường có 18 phòng học khang trang, sạch đẹp, thoáng mát, bảo đảm yêu cầu; trang bị 1 tivi/lớp để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy; trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học theo yêu cầu”, thầy Trịnh Đức Đô cho hay.

Tại Hòa Bình, để triển khai Chương trình GDPT 2018 các lớp cuối cấp, Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến nhấn mạnh trước hết đến chuẩn bị đủ đội ngũ, bảo đảm giáo viên được tham gia tập huấn đầy đủ các nội dung. Hiệu trưởng linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ dạy khối lớp cuối cấp đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định và chịu trách nhiệm trong phân công nhiệm vụ theo định mức, giải trình cụ thể thừa, thiếu giáo viên. Phòng/sở GD&ĐT giám sát chặt chẽ việc phân công nhiệm vụ của hiệu trưởng để tư vấn, điều chỉnh, luân chuyển kịp thời….

“Hòa Bình cũng chú trọng thành lập tổ giáo viên cốt cán cấp tỉnh, huyện/thành phố đảm bảo về số và chất lượng, cân đối cơ cấu, phù hợp môn học và các hoạt động giáo dục. Từ đó, phát huy hiệu quả năng lực đội ngũ giáo viên cốt cán để hỗ trợ các trường trong suốt quá trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa”, bà Bùi Thị Kim Tuyến chia sẻ.

Về cơ sở vật chất, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình thông tin, địa phương sẽ rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp đảm bảo các điều kiện triển khai nhiệm vụ năm học, đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018, từng bước đảm bảo công bằng giữa các điểm trường.

Phát huy trách nhiệm cộng đồng, đoàn thể, gia đình học sinh tham gia xây dựng trường lớp học; bố trí, sắp xếp các điểm trường. Chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt nhiều phương án triển khai môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc theo quy định của Chương trình GDPT 2018 đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Với các trường, cần chủ động kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có (phòng học, máy tính, chức năng… đồ dùng dạy học theo chương trình hiện hành, đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên).

Căn cứ kết quả rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung (có chọn lọc), ưu tiên thiết bị dạy học tối thiểu lớp 5, 9, 12. Tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học. Rà soát số học sinh cuối cấp hoàn cảnh khó khăn, tranh thủ nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ người học có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập theo quy định.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nhận diện khó khăn để tìm giải pháp

Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã sẵn sàng đội ngũ dạy học lớp 12 năm học 2024 - 2025. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diễm Trang, đây là những thầy cô đã dạy lớp 10, 11 chương trình mới và được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, khó khăn của nhà trường là thiếu cơ sở vật chất, trang thiết dạy học.

“Nhà trường đã chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn này. Trong đó, khuyến khích thầy cô tự làm đồ dùng dạy học, sử dụng các thí nghiệm ảo và vận dụng, cải tiến thêm đồ dùng dạy học sẵn có của chương trình 2006. Đội ngũ nhà giáo tâm huyết với công việc giảng dạy, chịu khó chia sẻ, học hỏi, nên dù thiếu thiết bị vẫn bảo đảm tiết dạy thu hút, hiệu quả. Điều này được chúng tôi tiếp tục phát huy khi triển khai lớp 12”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang cho hay.

Riêng việc lựa chọn sách giáo khoa, là năm đầu tiên triển khai chọn sách theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 nên nhà trường mong muốn được cung cấp sách mẫu sớm để thầy cô có thời gian nghiên cứu. Đồng thời mong cán bộ, giáo viên được tác giả sách giáo khoa tập huấn sách mới trực tiếp, trong thời gian đủ dài.

Hiện nhà trường chưa nhận được bộ sách giáo khoa lớp 12 nào. Tuy nhiên, thầy cô được giao dạy lớp 12 năm học 2024 - 2025 đã nghiên cứu Thông tư 27 và Chương trình GDPT 2018; chủ động lên mạng tìm hiểu các bộ sách mới để sẵn sàng nhất cho lựa chọn sách giáo khoa.

Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 5, thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết, nhà trường đã tham mưu xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm cho học sinh học 2 buổi/ngày và chuẩn bị giáo viên tham gia các lớp tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5.

Nhà trường đang thiếu 2 giáo viên, 2 phòng học; nhưng sẽ ưu tiên đội ngũ, cơ sở vật chất để bảo đảm triển khai chương trình mới ở lớp 5. Tuy nhiên, vì đa số học sinh của trường thuộc hộ nghèo nên việc trang bị đủ sách giáo khoa vẫn là khó khăn của nhà trường. “Chỉ có khoảng 30% học sinh tự mua được sách giáo khoa. Nhà trường phải vận động tài trợ, xã hội hóa để có thể trang bị đủ sách giáo khoa cho học trò”, thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ.

Chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12, Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các nhà trường tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng để xã hội hiểu và đồng thuận, tham gia giám sát việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT. Sở GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và hướng dẫn nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27. - Bà Bùi Thị Kim Tuyến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.