Tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non sau sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 1/8 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn việc thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non (MN) sau sửa đổi và Hướng dẫn bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.

Hội nghị Tập huấn hướng dẫn việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi.
Hội nghị Tập huấn hướng dẫn việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của GDMN tại QĐ 99/QĐ-BGDĐT ngày 10/01/2022 của Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, ngày 1/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non (GDMN) sau sửa đổi, bổ sung và bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL và giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Tại hội nghị, các Báo cáo viên, các chuyên gia sẽ trực tiếp tập huấn và trả lời các câu hỏi liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung Chương trình GDMN mới.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN cho biết: Trong những năm qua hướng đến tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở GDMN trong triển khai thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, văn hóa địa phương với quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm". Theo đó, nhiệm vụ hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là công việc thường niên của cấp học GDMN.

Phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GD Mầm non.
Phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GD Mầm non.

Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cũng mong muốn chương trình hội nghị sẽ thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên MN hiệu quả, thiết thực; chủ động nắm bắt thông tin thực tiễn từ địa phương về công tác bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao năng lực cho CBQL và GVMN, một số điểm nhấn trong thực hiện Chương trình GDMN sau sửa đổi bổ sung và hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn cho CBQL và GVMN.

Cụ thể với các nội dung: Hướng dẫn phát triển Chương trình nhà trường, sử dụng công cụ đánh giá việc thực hiện Chương trình GDMN, từ đó giúp các cơ sở xác định được những ưu điểm, hạn chế, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình GDMN; Hướng dẫn thực hiện giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non, giáo dục giới hướng đến bình đẳng giới. Đây là một nội dung trọng tâm trong Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

Hơn 300 đại biểu đến từ 63 tỉnh thành và Ban Phụ nữ quân đội, Bộ Quốc phòng tham dự Hội nghị.

Hơn 300 đại biểu đến từ 63 tỉnh thành và Ban Phụ nữ quân đội, Bộ Quốc phòng tham dự Hội nghị.

Ban tổ chức kiến nghị, sau khi kết thúc Hội nghị Tập huấn, đề nghị các sở GD&ĐT:

Lồng ghép các nội dung tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non vào việc thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 – 2025 (Theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2021);

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL và GVMN;

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng CBQL, GVMN và báo cáo về Bộ theo quy định;

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán có chất lượng phối hợp với Bộ để tổ chức hướng dẫn CBQL, GVMN trong công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

Bố trí kinh phí bồi dưỡng giáo viên; chủ động kế hoạch, chuẩn bị tài liệu bồi dưỡng, phương tiện và thiết bị dạy học phục vụ cho công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn;

Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn cho CBQL và GVMN năm học theo;

Đề nghị các thầy/cô tham gia tập huấn nghiêm túc thực hiện và triển khai các văn bản chỉ đạo, nội dung tập huấn đến tất cả đội ngũ CBQL và GVMN trong các cơ sở giáo dục.

Với đối tượng trẻ mầm non ở cấp học nền tảng, cần tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức về bản thân; khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm, cảm xúc với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội (chăm ngoan, lễ phép, mạnh dạn, tự tin, tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ, thực hiện quy tắc, quy định trong sinh hoạt ở trường, lớp mầm non, gia đình và nơi công cộng, quan tâm đến bảo vệ môi trường,…) để hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền tảng cho việc học tập, rèn luyện ở các cấp học tiếp theo. - Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ