Vượt qua định kiến của xã hội
Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Lê Xuân Dũng, sinh năm 1995, đăng ký vào Trường Cao đẳng Truyền hình Hà Nội. Tuy nhiên, sau một năm học, chàng trai trẻ quyết định rẽ lối theo đuổi ngành Sư phạm Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên.
Quyết định vào thời điểm đó của thầy Dũng khiến mọi người xung quanh vô cùng bất ngờ. Thầy giáo chia sẻ: “Sau một năm theo học truyền hình, tôi nhận thấy bản thân yêu thích ngành sư phạm nhiều hơn. Từ nhỏ, tôi đã yêu quý trẻ con, muốn được làm việc cùng trẻ con. Trở về Hưng Yên học tập tôi cũng mong muốn được đóng góp chút sức mình cho quê nhà”.
Những ngày đầu, thầy Dũng bộc bạch việc theo đuổi ngành sư phạm “nhiều khó khăn”. Gia đình dù không quyết liệt phản đối nhưng vẫn lo lắng, nghi ngại bởi số lượng thầy giáo trong ngành giáo dục mầm non vốn ít. Bên ngoài, nhiều người dị nghị, đàm tiếu khiến thầy Dũng cảm thấy ngại ngùng, tự ti.
Vào học, chàng trai trẻ dần được truyền cảm hứng bởi các thầy cô giáo tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên. Dù đã tốt nghiệp nhiều năm, thầy Dũng vẫn ghi nhớ và luôn làm việc theo lời thầy cô khuyên bảo: “Trẻ con như một tờ giấy trắng. Người thầy cần vẽ lên cho các em những điều tốt đẹp nhất”.
Nhớ lại quãng thời gian học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, thầy Dũng chia sẻ “khó nhất là việc học múa”. Vốn không quen với các hoạt động văn nghệ, mỗi lần học múa, đôi tay của Dũng bị cứng, không thể dẻo dai như các bạn nữ. Biết đó là điểm yếu, chàng trai tích cực đăng ký tham gia nhiều chương trình, hoạt động văn nghệ tại trường như nhảy hiện đại, đàn hát... để trau dồi.
Thầy Dũng tổ chức hoạt động thể thao cho học sinh nhà trường. Ảnh: NVCC. |
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, năm 2017, thầy Dũng trở về công tác tại Trường Mầm non Tô Hiệu, thành phố Hưng Yên. Nhận lớp trẻ 3 tuổi, thầy giáo vấp phải không ít cái nhìn e ngại từ phía gia đình học sinh. Phụ huynh chưa tin tưởng, sợ thầy giáo chăm trẻ không tốt, đặc biệt khi trẻ 3 tuổi đang ở giai đoạn khó uốn nắn.
Hiểu tâm lý của phụ huynh, thầy Dũng tự nhủ hoàn thành công việc hết khả năng của mình, quan tâm chăm sóc trẻ em như con cháu trong gia đình để phụ huynh có thể yên tâm tin tưởng.
Mỗi ngày, thầy Dũng bắt đầu lớp học bằng các trò chơi mang tinh thần đồng đội, video âm nhạc có giai điệu vui vẻ, hứng khởi. Các em nhỏ cùng nhau tham gia trò chơi vận động hoặc ca hát, lắc lư theo điệu nhạc, từ đó, chuẩn bị tâm thế hào hứng khi bước vào ngày học.
Đứng trước cả lớp, thầy Dũng luôn nở nụ cười vui vẻ, giữ trạng thái tinh thần lạc quan, hứng khởi và truyền những cảm xúc tích cực cho trẻ em thông qua các trò chơi, các bài học. Có lúc, thầy giáo trong vai trò người dẫn dắt, còn trẻ đóng vai nhân vật và cùng nhau kể các câu chuyện cổ tích.
Dần dần, các em coi thầy Dũng như một người bạn. Các em nói thích đến trường, thích học trong lớp của thầy Dũng. Nhận thấy các con được vui vẻ, mạnh khoẻ ở trường, phụ huynh đã chuyển từ thái độ nghi ngại sang đón nhận, tin tưởng thầy giáo và nhà trường. Nhờ đó, suốt 2 năm tiếp theo, thầy Dũng đã cùng đồng hành với lớp trẻ mầm non 3 tuổi lên lớp 5 tuổi.
Đến khi các em nhỏ ra trường, thầy Dũng không kìm nổi xúc động: “Đó là lứa trò nhỏ đầu tiên của tôi và tôi được gắn bó cùng các em thời gian dài. Đồng hành cùng các em trong quá trình phát triển, khám phá thế giới nên đến khi các em lên tiểu học, tôi thực sự không muốn rời xa. Kỉ niệm đẹp đẽ này sẽ theo tôi trong chặng đường công tác sau này”.
Một tiết học trong lớp của thầy Dũng tại Trường Mầm non Tô Hiệu, Hưng Yên. |
Trách nhiệm với bản thân và trẻ nhỏ
Hiện đang dạy lớp trẻ mầm non 5 tuổi, thầy Dũng đã thuần thục các kỹ năng chăm sóc trẻ em và làm như các cô giáo khác, không hề nề hà với công việc.
Đa số trẻ 5 tuổi đã hình thành ý thức tự giác, tự lập nên có thể tự ăn cơm. Tuy nhiên, còn một số em biếng ăn hoặc ăn chậm. Do đó, thầy giáo phải kiên nhẫn động viên, nói chuyện hoặc dỗ dành làm sao cho trẻ hiểu và ăn uống tự nhiên. Ngoài ra, tăng cường các bài học về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chương trình dạy.
Sau bao nỗ lực, cố gắng, giờ đây thầy Dũng đã được mọi người xung quanh ủng hộ và khích lệ trong công việc. Thầy cũng được các cô giáo đồng nghiệp hướng dẫn, chỉ bảo và hỗ trợ nhiệt tình để hoàn thành công tác chăm sóc trẻ. Lớp học của thầy Dũng luôn vui vẻ, rộn ràng tiếng nói cười.
Đều đặn mỗi ngày, sáng “nuôi dạy trẻ”, tối về nhà, thầy giáo tiếp tục cặm cụi bên bàn làm việc để tìm hiểu, trau dồi các phương pháp giáo dục mới như STEAM, kỹ năng sống, Toán tư duy...
Thầy Dũng tự nhủ công việc nào cũng đáng quý, đáng trân trọng và cần phải nỗ lực, cố gắng hết khả năng của mình để hoàn thành công việc. Đó không chỉ là trách nhiệm của người thầy đối với học sinh, nhà trường và phụ huynh mà còn là trách nhiệm đối với chính bản thân mình.
Cô Bùi Thu Hiền, đồng nghiệp với thầy Dũng, chia sẻ: "Tôi về trường sau thầy Dũng một vài năm. Lần đầu gặp và biết thầy là giáo viên nhà trường, tôi vừa cảm ấn tượng vừa bất ngờ và rất vui khi được làm việc cùng thầy Dũng".
Theo cô Hiền, thầy Dũng có tính cách hoà đồng, vui vẻ và rất yêu quý trẻ con. Là giáo viên nam duy nhất ở trường, thầy Dũng rất năng nổ, chịu khó học hỏi và được đồng nghiệp yêu quý, hỗ trợ nhiệt tình.
“Những năm qua, dù công việc nhiều lúc khó khăn, chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ. Được tiếp xúc với trẻ nhỏ, lắng nghe và vui đùa cùng các em giúp xua tan mệt mỏi và tiếp cho tôi động lực để phấn đấu trên con đường phía trước. Bởi vì những nỗ lực này đều nhằm mục tiêu giúp các em hoàn thiện và phát triển tốt nhất trong hành trình trưởng thành”, thầy Lê Xuân Dũng chia sẻ.