Việc tổ chức bán trú ra sao để đảm bảo phòng dịch, an toàn cho học sinh, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh... đều được các nhà trường quan tâm khi tổ chức, thực hiện.
Nỗ lực vì sức khỏe học sinh
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), trao đổi: Để dịch bệnh không lây lan trong trường lớp, đặc biệt khi tổ chức hoạt động bán trú (không thể thực hiện giãn cách lúc học, ăn, ngủ nghỉ, giải lao…) thì cách duy nhất là đẩy mạnh kiểm soát dịch từ cổng trường, triển khai đủ các biện pháp phòng chống dịch…
Với học sinh tham gia bán trú, nhà bếp phục vụ các suất ăn tại lớp, chia tận bàn tới từng học sinh; giáo viên và nhân viên cấp dưỡng phải kiểm tra thân nhiệt hàng ngày; sử dụng bảo hộ lao động, khẩu trang suốt quá trình chế biến, thực hiện nghiêm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường cũng sẽ kiểm soát chặt với người ra vào trường. Khuyến cáo phụ huynh chuẩn bị bình nước cá nhân cho trẻ sử dụng, hạn chế sử dụng chung trong thời gian học tập, sinh hoạt tại trường…
Tuần đầu học sinh trở lại trường, giáo viên Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) sẽ tập trung ổn định dạy học, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, hạn chế giao tiếp; không sử dụng chung đồ dùng ăn uống... Cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Phụ huynh có thêm thời gian suy nghĩ và quyết định có cho trẻ ăn bán trú vào tuần sau. Trường cũng có sự chuẩn bị, yêu cầu kỹ càng với bên cung cấp để thực phẩm tươi ngon, an toàn.
Học sinh Trường Tiểu học Bắc Cường (thành phố Lào Cai, Lào Cai) cũng vừa trở lại trường học trực tiếp và thực hiện học 2 buổi/ngày. Đi liền đó, nhà trường cũng tổ chức hoạt động bán trú theo nhu cầu của phụ huynh.
Chia sẻ cách triển khai hoạt động bán trú cho 764/1.766 học sinh, cô Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng nhà trường, nói: Trường thực hiện giãn cách lớp với lớp. Học sinh ăn ngủ tại lớp và bố trí giáo viên trông nom, giám sát. Trong giờ học và ăn – ngủ, giáo viên đều có sơ đồ của học sinh đề phòng trường hợp phát hiện ca liên quan đến dịch sẽ có căn cứ để xác định số học sinh ngồi cạnh, ngồi trước, tiếp xúc gần… Từ đó tư vấn cho phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh diện F1; hoặc để học sinh diện F1 nguy cơ không cao ngồi tách vị trí riêng, theo dõi 5 ngày nhưng vẫn đi học.
Đối với khu vực nhà vệ sinh, do thực hiện mọi hoạt động khép kín lớp trong lớp, học sinh có nhu cầu đi vệ sinh lúc nào giáo viên cho đi lúc đó nên sẽ tránh hoàn toàn việc ùn ứ, tập trung đông tại khu vực này, hạn chế đáng kể lây chéo bệnh. Đối với bếp ăn nhà trường, cấp dưỡng thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, bảo hộ lao động. Cấp dưỡng và cô nuôi, giáo viên đều phải khai báo y tế hàng ngày, test Covid-19 thường xuyên (2 - 3 ngày/lần). Trường hợp gia đình có người thân mắc dịch đều cho tạm nghỉ để cách ly, theo dõi sức khỏe cho tới khi an toàn.
Học sinh Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) trở lại học trực tiếp và học 2 buổi/ngày hơn 1 tháng nay. Trên 800/1.120 học sinh toàn trường được phụ huynh đăng ký cho bán trú.
Việc tổ chức các hoạt động bán trú tại lớp có kết quả tích cực khi chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào lây nhiễm bệnh tại trường. Các hoạt động ăn, uống phục vụ tại lớp. Đồ dùng cá nhân học sinh từ khăn mặt, cốc uống nước, bát đĩa… đều được dùng riêng. Bếp ăn nhà trường được kiểm soát chặt từ khâu nguồn gốc thực phẩm; sức khỏe nhân viên cấp dưỡng.
Hỗ trợ tối đa phụ huynh
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc trao đổi: Việc tổ chức bán trú cho học sinh khi quay lại học tập trực tiếp hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, yêu cầu của phụ huynh. Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày nhà trường cung cấp khoảng 1.500 suất ăn bán trú/5 khối lớp. Nhưng khi học sinh mới đi học trở lại nhu cầu bán trú có số lượng nhiều hay ít, trường vẫn triển khai với trách nhiệm cao nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, tiện lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con hàng ngày.
Trường Tiểu học Đông Thái có 1.800 học sinh, khi dịch bệnh chưa bùng phát thì có khoảng 75% đăng ký bán trú. Dự kiến đợt trở lại học tập lần này, thời gian đầu chỉ khoảng 50% phụ huynh đăng ký. Tuy nhiên, dù nhu cầu bán trú ít hay nhiều, nhà trường vẫn tổ chức để hỗ trợ phụ huynh trong việc quản lý, đưa đón con tiện lợi nhất mà vẫn bảo đảm sức khỏe học sinh.
Mặt khác, theo cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, tổ chức tốt hoạt động bán trú trong bối cảnh dịch bệnh không đơn thuần là trách nhiệm mà được xem như giải pháp để tăng cường tỷ lệ học sinh trở lại học tập trực tiếp.
Chị Nguyễn Thanh Quỳnh, con học lớp 4 Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bày tỏ: Học sinh học trực tuyến gần 1 năm học, được trở lại trường sớm là khát khao của các con. Mặt khác, khi nhà trường tổ chức tốt công tác phòng dịch trong quá trình học tập, thì việc tổ chức bán trú cũng có tiền đề để triển khai. Gia đình không thể ngày đưa đón con 2 buổi tới trường, về nhà nên hoạt động bán trú được tổ chức là cần thiết và cha mẹ luôn gửi niềm tin vào thầy cô, nhà trường.