Học sinh tiểu học trở lại trường: Cần sự đồng lòng của gia đình, nhà trường, xã hội

GD&TĐ - Học sinh tiểu học dù chưa tiêm phòng dịch, song nhiều địa phương đã cho đi học trực tiếp hoặc có kế hoạch mở cửa trường trong tháng 2 nhằm đảm bảo quyền học tập, sức khỏe, tâm lý...

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) được đo thân nhiệt và thực hiện 5K trước khi vào lớp. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) được đo thân nhiệt và thực hiện 5K trước khi vào lớp. Ảnh: NTCC

Dẫu còn những lo lắng nhất định, song công tác chuẩn bị cũng như sự đồng thuận từ gia đình, nhà trường đều sẵn sàng.

Sẵn sàng điều kiện đón học trò

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, có con học lớp 3 Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bày tỏ: Sau thời gian theo dõi dịch bệnh cũng như những tích cực, mặt trái của học trực tuyến cho thấy, việc trở lại trường của học sinh là cần thiết.

Tất nhiên, đưa học sinh tiểu học trở lại trường khi các em chưa được tiêm phòng sẽ đòi hỏi trách nhiệm, sự chuẩn bị và phối hợp tối đa của thầy cô, nhà trường và gia đình. Có được giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả từ nhà trường, gia đình thì không quá lo lắng.

Tuy nhiên, theo chị Quỳnh vấn đề được nhiều phụ huynh đặt ra là học sinh chỉ học 1 buổi/ngày. Như vậy, việc đưa đón không thuận tiện bởi đa số bố mẹ vẫn phải đi làm, cơ quan xa trường học. Nếu các ban ngành, nhà trường… có giải pháp hữu hiệu để tổ chức bán trú cho học sinh mà vẫn bảo đảm an toàn sức khỏe đỡ vất vả cho phụ huynh trong công việc, cuộc sống.

Anh Kiều Công Thược, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trung Thành (Gia Lâm, Hà Nội), cũng cho rằng không tổ chức bán trú sẽ khó khăn cho phụ huynh bởi không phải lúc nào cũng có thể đón, đưa trẻ từ nhà tới trường và ngược lại theo khung giờ nhà trường đưa ra. Các trường có thể tham khảo, thăm dò kinh nghiệm trong cách tổ chức bán trú để triển khai hiệu quả… Đặt sức khỏe của học sinh lên cao nhất nhưng cũng không nên vì thế mà quá cẩn trọng.

Trước những lo lắng, nguyện vọng của phụ huynh, các nhà trường đều cố gắng chuẩn bị điều kiện tốt nhất, luôn tiếp thu ý kiến, đề xuất của phụ huynh để có phương án đón học sinh tiểu học trở lại trường hiệu quả mà không gây xáo trộn nhiều cho cha mẹ, gia đình.

Cô Vũ Trinh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trao đổi: Lo lắng cho học sinh bao nhiêu, giáo viên, nhà trường càng phải chuẩn bị chu đáo bấy nhiêu để đón trò trở lại trường lớp.

Trước mắt, trường sẽ chuẩn bị trường lớp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thật tốt (điều kiện cơ sở vật chất, y tế đảm bảo 5K). Mặt khác phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sức khỏe học sinh trước khi tới trường, yêu cầu gia đình đo thân nhiệt, khai báo tình trạng sức khỏe, hạn chế cho trẻ tiếp xúc nơi đông người…

Cô Hương cũng cho rằng, đảm bảo sức khỏe học sinh cần bắt đầu bằng ý thức, hiểu biết, sự chủ động, kỹ năng của trẻ, phụ huynh, giáo viên trong phòng, chống dịch.

Do đó, khi học sinh tới trường sẽ chú trọng giáo dục, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống để các em chủ động, linh hoạt ứng phó. Mặt khác, tuyên truyền, hợp tác với gia đình để nâng cao ý thức chống dịch, đảm bảo sức khỏe học sinh từ ở nhà…

Trường cũng có kế hoạch phân chia giờ đón, trả trẻ theo khối lớp; Tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ y tế, giáo viên để xử lý tình huống đột xuất; Thậm chí, ngoài bố trí phòng cách ly y tế còn có phòng để học sinh ngồi chờ khi bố mẹ chưa kịp đón. Tránh tình trạng tập trung nhóm trong sân trường, lớp học…

Trao đổi về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội), nhấn mạnh một số giải pháp như: Trường sẽ quy định khung giờ tan lớp của các khối chênh nhau ít nhất 30 phút. Phụ huynh khi đón trẻ trong sân trường đứng theo phân khu, giáo viên dẫn học sinh xuống sẽ lên xe về luôn, không tụ tập nói chuyện.

Đặc biệt sẽ chú trọng việc đón học sinh lớp 1 bởi các em chưa tới trường, chưa được tham quan các phòng chức năng nên vô cùng bỡ ngỡ. “Trường tập trung học sinh khối 1 chậm 1 – 2 giờ so với các khối khác, hoặc vào buổi chiều để giáo viên hướng dẫn cách lên lớp, làm quen phòng chức năng, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống dịch cơ bản. Việc hướng dẫn sẽ triển khai trước ngày học sinh tới trường...”, cô Minh trao đổi.

Bên cạnh đó, nhà trường làm biển thông số: Họ tên, lớp, điện thoại, giáo viên chủ nhiệm cho trẻ lớp 1… Như vậy, khi các em chưa quen lớp, bị lạc thì bảo vệ, giám thị, sao đỏ… có thể đưa về đúng địa chỉ.

Học tập trực tiếp tại trường sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: IT
Học tập trực tiếp tại trường sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: IT

Gửi niềm tin, phát huy trách nhiệm người thầy

Từ góc độ giáo viên đứng lớp, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), bày tỏ: Học sinh trở lại trường là niềm vui, mong mỏi của thầy cô nhưng cũng kèm theo nỗi lo đặc biệt là vấn đề sức khỏe khi các em chưa được tiêm phòng. Tuy vậy, cô Hạnh đồng thuận và cho rằng, học sinh tiểu học trở lại trường khi những điều kiện chung đã được chuẩn bị kỹ càng là cần thiết.

Ở góc độ chuyên môn, theo cô Hạnh chuyển đổi hình thức dạy và học từ trực tuyến sang trực tiếp chắc chắn giáo viên phải sắp xếp lại thật tốt từ chuyên môn, tâm lý để giảng dạy cùng với đó là kỹ năng ứng phó dịch bệnh.

“Giáo viên cần biết chấp nhận và khắc phục những hạn chế khi thay đổi phương thức dạy học; Kiên nhẫn nhắc nhở, hướng dẫn học sinh những kiến thức, kỹ năng học sinh còn trống hoặc lúng túng do lần đầu tới trường. Đặc biệt, không để áp lực công việc trở thành rào cản, ảnh hưởng tới tâm lý học tập của học sinh…”, cô Hạnh trao đổi.

Dưới góc nhìn tâm lý giáo dục và xã hội học, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) cũng khẳng định đưa học sinh tiểu học trở lại trường học tập, tham gia hoạt động tập thể cần thiết cho sự phát triển toàn diện, đặc biệt nhân cách ở trẻ (dù chưa được tiêm phòng).

Theo bà, khi học sinh tiểu học không được học tập và sinh hoạt trong môi trường trường lớp, chỉ học trực tuyến có thể dẫn tới rối loạn về tâm lý, phát triển tâm lý lệch lạc.

“Đưa trẻ đến trường là cần thiết. Phụ huynh hãy yên tâm, đồng lòng với thầy cô, nhà trường và ngành Giáo dục. Bên cạnh nâng cao hiểu biết cần kết hợp cùng nhà trường thường xuyên giám sát sức khỏe, giáo dục kỹ năng phòng dịch cho trẻ tại gia đình; Quan tâm sát sao việc đưa đón trẻ… Toàn xã hội đồng lòng, cùng vào cuộc thì việc đưa học sinh tiểu học trở lại trường sẽ cơ bản được đảm bảo…”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng bày tỏ tin tưởng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ