Thầy nhìn nhận như thế nào về thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay?
Bạo lực học đường ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và thành phố Pleiku nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp. Cụ thể, tình trạng học sinh trong trường, lớp đánh nhau vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt; Học sinh trường này gây gổ với học sinh trường khác; hoặc những xung đột giữa học sinh và thanh niên bên ngoài nhà trường… Thậm chí, học sinh đánh nhau có tổ chức và sử dụng hung khí như: Dao, mã tấu, dụng cụ tự chế. Bên cạnh đó là sự vô cảm của các học sinh đứng xem và quay clip để tung lên mạng làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, sự phát triển toàn diện của học sinh, cũng như ảnh hưởng không tốt đến công tác giáo dục và hình ảnh của nhà trường.
Hiện nay, công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh đều được cấp ủy, Ban giám hiệu và các thầy cô trong các nhà trường quan tâm sâu sát. Tuy nhiên, nhiều học sinh vì cá nhân như xích mích trong quá trình học tập, mâu thuẫn trên mạng xã hội… dẫn tới đánh nhau. Đã có hiện tượng người nhà của học sinh kéo đến trường gây mất trật tự an ninh, hoặc các thanh niên lêu lổng, xăm trổ đầy mình đứng trước cổng trường để chặn đường, đánh học sinh.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự gia tăng của hiện tượng này?
Bạo lực học đường gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan do sự phát triển xã hội. Tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, các loại game ảo trên mạng,
Facebook… đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự hình thành nhân cách của các em. Nguyên nhân từ nhà trường, là do học sinh mới vào trường từ nhiều nơi khác nhau, sĩ số học sinh khá đông khiến giáo viên khó theo sát, khó can thiệp để kịp thời ngăn chặn mâu thuẫn. Hơn nữa nhiều khi các nhà trường giải quyết vụ việc chưa triệt để. Có hiện tượng thanh niên xấu từ bên ngoài lôi kéo học sinh vào các vụ việc, gây rối trong trường. Một số trường học đóng trên địa bàn dân cư đông đúc, có nhiều tệ nạn xã hội nên gia tăng vấn nạn bạo lực học đường.
Nguyên nhân chủ quan còn do một số gia đình quá nuông chiều con cái, quản lí không chặt để các em giao du với một số đối tượng xấu bên ngoài, gây nên hiện tượng kéo bè, kết cánh, lập băng nhóm…Khi mâu thuẫn, xích mích với bất kì học sinh nào, những em này lập tức gọi người đến đánh hội đồng học sinh đã gây hấn với mình. Có những gia đình bận công việc làm ăn, phó mặc con cái cho nhà trường, không có thời gian gần gũi chăm sóc và giáo dục lối sống của các con, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh lao vào nghiện ngập, đua đòi, ăn chơi lêu lổng, trấn lột trong và ngoài nhà trường… Hơn nữa còn là do tâm lí lứa tuổi của học sinh chưa ổn định. Các em chưa hiểu trách nhiệm pháp lí khi xâm phạm quyền tự do về thân thể người khác, nên có những hành động đi ngược lại pháp luật.
Tại nhà trường, việc phòng chống bạo lực học đường đã được quan tâm và triển khai như thế nào, thưa thầy?
Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Văn bản số 1548/SGDĐT-CTTT, ngày 28/8/2017 về việc thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Trên cơ sở đó, nhà trường đã tiến hành xây dựng kế hoạch và những giải pháp cụ thể. Từ tích hợp, lồng ghép nội dung về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình dạy học các môn học chính khóa như Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân… đến lập kế hoạch cụ thể giao cho các tổ chức đoàn thể và cá nhân trong nhà trường thực hiện các phong trào thi đua: “Duy trì sĩ số”, “Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn”…
Trong tất cả các giải pháp, hoạt động của Ban nền nếp là giải pháp then chốt. Để giảm thiểu được vấn nạn “bạo lực học đường”, trước hết Ban nền nếp, Tổ giám thị của các trường cần phải giám sát chặt chẽ nền nếp học sinh trong từng tiết học. Đặc biệt trong các giờ ra chơi, các lực lượng này cần tăng cường kiểm tra các dãy phòng học, khu vệ sinh. Vì trong giờ ra chơi các học sinh thường tụ tập thành từng nhóm để vui chơi, bàn tán, hút thuốc… Nếu có sự kiểm tra thường xuyên của Ban nền nếp và Tổ giám thị thì tình hình nền nếp, bạo lực trong trường học chắc chắn sẽ giảm đáng kể.
Nhà trường đã áp dụng những biện pháp nào trong việc ngăn ngừa bạo lực học đường, thưa thầy?
Để đẩy lùi nạn bạo lực học đường trong nhà trường, Ban nền nếp của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh gồm có 5 thầy cô phụ trách, trong đó Ban chấp hành Đoàn trường làm chủ đạo. Ngay từ đầu năm học dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường, Ban nền nếp của nhà trường sử dụng các biện pháp quản lí cũng như giám sát học sinh để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Cụ thể: Thường xuyên bám sát học sinh trong từng buổi học, tiết học, trong giờ ra chơi tăng cường kiểm tra nền nếp học sinh và thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các lớp. Giám sát trước giờ lên lớp và đặc biệt là khi ra về. Bởi vì khi ra về học sinh thường mới tìm cách để giải quyết mâu thuẫn hoặc gọi người nhà, bạn bè đến gây sự và tổ chức đánh nhau.
Ban nền nếp thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh đánh nhau, gây mâu thuẫn với nhau thông qua kênh thông tin từ học sinh, từ lực lượng thanh niên xung kích, qua hộp thư của Đoàn thanh niên… Ngay từ đầu năm tuyển sinh khối lớp 10 vào trường, Ban nền nếp đã sàng lọc những học sinh có hạnh kiểm và học lực không tốt từng bị kỉ luật dưới cấp II để đưa vào diện theo dõi chặt chẽ. Nhà trường cũng chia đều các học sinh này vào các lớp để các em không có điều kiện gần nhau để xích mích và đánh nhau. Ban nền nếp cũng liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để giáo dục học sinh tốt hơn. Chính vì vậy nên vấn đề bạo lực học đường cũng như vi phạm của học sinh trong nhà trường giảm đáng kể trong từng năm.
Xin cảm ơn ông!