Tạo môi trường giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 16/4, workshop “Không khoảng cách - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả mọi người” được tổ chức tại Học viện Ngoại giao.

Ban tổ chức trao quà cho các diễn giả tại workshop.
Ban tổ chức trao quà cho các diễn giả tại workshop.

Sự kiện do nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao cùng Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về hoà nhập người khuyết tật và Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4.

Phát biểu tại sự kiện, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết: Tại Việt Nam, cứ 14 người thì có gần 1 người là người khuyết tật, chiếm 7,2% dân số. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người khuyết tật Việt Nam chưa được ghi nhận là người khuyết tật vì dạng khuyết tật ẩn của họ. Nhiều người khuyết tật có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Tương tự, trên thế giới, người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật, cũng phải đối mặt với nhiều rào cản trong giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và việc làm.

Sinh viên Học viện Ngoại giao trải nghiệm đọc sách chữ nổi tại workshop.

Sinh viên Học viện Ngoại giao trải nghiệm đọc sách chữ nổi tại workshop.

“Với hơn 23 triệu người, thanh niên Việt Nam là động lực chính mang tới sự thay đổi. Các bạn có năng lượng, cam kết và ý tưởng sáng tạo đưa ra các giải pháp xây dựng một xã hội quan tâm tới khả năng và nhu cầu của tất cả mọi người”, ông Patrick Haverman bày tỏ.

Chia sẻ câu chuyện của bản thân, diễn giả Lê Hương Giang, MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), kể: Mọi người xung quanh đều cho rằng tôi sẽ không thể làm gì vì là người khuyết tật. Tuy nhiên, bố mẹ đã truyền cho tôi động lực và niềm tin rằng tôi có thể chinh phục mọi khó khăn. Nhờ bố mẹ, tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc sống này thật tuyệt vời.

Sinh viên luyện tập di chuyển định hướng tại workshop.

Sinh viên luyện tập di chuyển định hướng tại workshop.

Còn diễn giả Hoàng Thị Phương, bộc bạch: Năm cấp 2, nhận ra khác biệt với các bạn nên tôi cảm thấy rất tự ti, mặc cảm và quyết định thôi học. Sau đó, tôi đăng ký vào một trường nghề dành cho người khuyết tật. Thầy cô, bạn bè ở môi trường mới đã giúp tôi tìm lại cảm giác được là chính mình và truyền động lực cho tôi tiếp tục học tập, thực hiện ước mơ trở thành giáo viên.

Hiện đang là sinh viên năm ba chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại Học viện Phụ nữ, Hoàng Thị Phương hy vọng, qua câu chuyện của mình, mỗi người có thể dành nhiều hơn sự đồng cảm, chia sẻ với người khuyết tật. Từ đó, mọi người, nhất là thanh niên, có thể lan tỏa tình yêu thương, xây dựng xã hội "không khoảng cách".

Sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia workshop "Không khoảng cách".

Sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia workshop "Không khoảng cách".

Tham dự workshop, Đinh Nguyễn Quỳnh Châu, sinh viên Học viện Ngoại giao, bày tỏ: “Qua buổi workshop hôm nay, em đã phần nào cảm nhận được những khó khăn mà người khuyết tật đang gặp phải và hiểu thêm về cách ứng xử hòa nhập trong môi trường học đường. Em và các bạn sẽ cố gắng hỗ trợ nhiều hơn cho người khuyết tật trong tương lai”.

Workshop gồm hai phiên chính: Đối thoại và Trải nghiệm. Trong phiên thứ nhất, các diễn giả chia sẻ về những rào cản trong môi trường học đường tại Việt Nam thông qua những trải nghiệm thực tế của bản thân. Sau đó, diễn giả và sinh viên cùng thảo luận về những định hướng, giải pháp xây dựng môi trường học đường hòa nhập hơn cho tất cả mọi người.

Tại phiên thứ hai: Trải nghiệm, sinh viên Học viện Ngoại giao được giao lưu và trải nghiệm thực tế những khó khăn, cũng như thực hành hỗ trợ người khuyết tật trong môi trường học đường.

Nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Kết nối thanh niên, thúc đẩy hòa nhập”, workshop đem đến cho sinh viên Học viện Ngoại giao cái nhìn chân thực, đa chiều về thực trạng hòa nhập người khuyết tật trong môi trường học đường Việt Nam.

Thông qua sự kiện, nhóm sáng kiến mong muốn nâng cao nhận thức của sinh viên về hòa nhập người khuyết tật, từ đó, khuyến khích các bạn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thúc đẩy hòa nhập và vận động chính sách vì quyền người khuyết tật nhằm đóng góp các mục tiêu về hòa nhập người khuyết tật của Liên Hợp Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.