Tạo hứng thú cho học sinh đọc - hiểu văn bản

GD&TĐ - Trong chương trình dạy học Ngữ văn hiện hành, yêu cầu đổi mới phương pháp cũng đề cập vấn đề phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh (HS). GV cần trao quyền cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật cho HS trong quá trình tiếp nhận văn bản. Để làm tốt điều này, GV cần có sự chuẩn bị chu đáo trong mỗi bài học, hướng dẫn HS tham gia đồng sáng tạo nghệ thuật với nghệ sĩ.

Một tiết học Văn lớp 12
Một tiết học Văn lớp 12

Miêu tả hình tượng theo cảm nhận chủ quan

Khi khai thác giá trị thẩm mĩ của văn bản nghệ thuật, GV cần hướng dẫn HS miêu tả lại hình tượng nghệ thuật bằng ngôn ngữ theo cảm nhận chủ quan của mình. Có thể nói việc diễn đạt lại hình tượng bằng cảm nhận chủ quan của người học là một kênh thông tin hữu hiệu để GV nắm bắt được khả năng cảm thụ văn bản của HS.

Mặt khác, để có thể miêu tả, diễn đạt lại hình tượng nghệ thuật bằng cảm quan ngôn ngữ của mình, HS buộc phải đọc, tìm hiểu, phân tích các chi tiết nghệ thuật của văn bản. HS có cơ hội thể hiện năng lực cảm thụ, sáng tạo và năng lực thẩm mĩ của mình khi đọc - hiểu văn bản nghệ thuật.

Trao cho HS quyền được bày tỏ cảm nhận riêng, diễn đạt cách hiểu về hình tượng nghệ thuật chính là biện pháp khơi gợi trí tưởng tượng, bởi vì không có khả năng tưởng tượng, liên tưởng, người đọc không thể phá vỡ lớp vỏ ngôn từ để hình dung những cảnh, những người được miêu tả trong văn bản. Hoạt động này sẽ tạo cho HS một cơ hội được bày tỏ chủ kiến của mình.

Biện pháp này GV có thể tiến hành ở hai dạng: cho HS trực tiếp thể hiện bằng ngôn ngữ nói tại lớp hoặc cho HS bày tỏ qua các bài viết. Chẳng hạn, khi đọc hiểu tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, HS có thể viết ra những suy nghĩ của mình về những người đàn ông nghiện rượu, thường xuyên say rượu trong cuộc sống xung quanh mình. Tấm lòng bao dung, nhân hậu và vị tha của nhà văn Nam Cao khi nhìn người nông dân Việt Nam trước cách mạng cũng sẽ có sức tác động đến cái nhìn đời, nhìn người của chính các em HS trong cuộc sống bấy giờ.

Cái nhìn chủ quan về hình tượng nghệ thuật thực chất là những cảm nhận, những đánh giá, nhận xét, bình luận của HS về một nhân vật, một tâm trạng, một tình huống nào đó trong tác phẩm. Thực chất của biện pháp này là giúp HS có cái nhìn mang tính liên hệ, mở rộng, vận dụng giữa tác phẩm nghệ thuật với đời sống thực tế. HS khi được cảm nhận chủ quan về hình tượng nghệ thuật sẽ có cơ hội bộc lộ hết khả năng nhận thức, thông hiểu và vận dụng tác phẩm nghệ thuật mình được học, tạo thành một ưu thế riêng trong việc giúp HS thâm nhập tác phẩm.

Đối thoại với văn bản từ bối cảnh xác định của người học

Trong quá trình đọc - hiểu tác phẩm văn học, GV phải luôn luôn định hướng cho HS cách đối thoại với văn bản (cũng là với tác giả) từ bối cảnh xác định của người học. Điều này có nghĩa là, người học phải đọc hiểu tác phẩm trong quá trình vận dụng, liên hệ và mở rộng nhận thức của mình về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, ý đồ sáng tạo của nhà văn, nội dung, tư tưởng và cảm hứng sáng tạo của tác giả.

Đọc hiểu văn bản phải tiến hành trong mối liên hệ với ngữ cảnh của văn bản, tức hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh lịch sử xã hội. Chính cách đánh giá tác phẩm nghệ thuật này khiến cho chúng ta thấy rõ dạy học văn trong trường THPT không dừng ở việc giảng văn hay phân tích tác phẩm mà là quá trình tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật theo mối quan hệ “thầy thiết kế, trò thi công”.

Dạy đọc - hiểu tác phẩm văn học trong nhà trường theo hướng lấy người đọc làm trung tâm của lí thuyết tiếp nhận vừa kết hợp nguyên lí lấy HS làm trung tâm của hoạt động dạy - học.

Ví dụ, khi học Lão Hạc của Nam Cao, HS cảm thấy băn khoăn về cách kết thúc đầy bi thảm của một số phận. HS đặt ra các vấn đề: Vì sao lão Hạc lại tự kết liễu đời mình một cách thảm hại như vậy? Vì sao Nam Cao không chọn cách kết thúc tươi sáng hơn?

Bởi trong hoàn cảnh của xã hội hiện đại, có nhiều cách để người nông dân nghèo khổ như lão Hạc được sống, được thoát ra khỏi đói nghèo. Nhưng trong xã hội phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, thì kết thúc câu chuyện của Nam Cao mới thật thấm thía giá trị hiện thực và nhân đạo. Lão Hạc chọn cái chết để giữ lấy mảnh đất, căn nhà. Đó là một sự hi sinh lặng lẽ, đáng quý của người lao động nghèo.

Khi tổ chức tranh luận đối thoại trong giờ đọc - hiểu, GV cần định hướng điều chỉnh HS phát hiện và bộc lộ cách cảm nghĩ riêng, cách nhìn riêng gắn với đặc điểm nhân cách và trải nghiệm của bản thân về thế giới con người. Từ đó, giúp HS hiểu vấn đề sâu sắc và hình thành quan điểm cá nhân tích cực về đời sống và về văn học nghệ thuật nhằm phát triển năng lực cảm thụ văn học, năng lực thẩm mĩ của mình. GV sẽ hướng dẫn HS khắc phục cách hiểu “sẵn có” trong đọc - hiểu để tìm ra những ý nghĩa tích cực, mới mẻ của tác phẩm.

Chuyển thể tác phẩm thành loại hình nghệ thuật khác

Trên thực tế, chúng ta nhận ra văn học có chứa đựng nghệ thuật tạo hình (hội họa) nghệ thuật tạo nhạc (âm nhạc), nghệ thuật sân khấu (văn bản kịch) hay nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển tải thành nghệ thuật điện ảnh. Ở một số tiết học Tự chọn trong chương trình THPT hiện nay, chúng tôi thấy các GV Ngữ văn rất sáng tạo trong cách tạo ra những giờ “sân khấu hóa văn học”, tức là cho HS lựa chọn một đoạn, một bối cảnh của tác phẩm tự sự hoặc một màn, một cảnh của tác phẩm kịch để “diễn”.

Quá trình diễn lại tác phẩm đem đến cho HS hứng thú để hiểu tác phẩm cũng như để tiếp nhận và lí giải tác phẩm một cách sáng tạo hơn. Đối với những tác phẩm thơ trữ tình, HS lại chọn cách ngâm thơ, trình chiếu câu chữ với hình ảnh minh họa tạo nên những góc nhìn, hướng cảm thụ sâu sắc và độc đáo riêng về tác phẩm. Đây là một cách dạy học theo định hướng phát triển năng lực khá phổ biến của môn Ngữ văn THPT hiện nay.

Tuy nhiên, khi khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật của HS trong cảm thụ văn bản nghệ thuật bằng việc đối chiếu, chuyển thể tác phẩm sang loại hình nghệ thuật khác cần có sự định hướng của GV. Tránh “vật chất hóa” hình tượng nghệ thuật, hoặc sử dụng hình ảnh trực quan thô sơ. Điều này sẽ phá vỡ bản chất của sáng tạo, làm méo mó hình tượng và thủ tiêu sự sáng tạo, trí tưởng tượng của HS.

GV “kích hoạt” năng lực thẩm mĩ của người học bằng các cách sau:

a. Cho HS diễn kịch/ nhập vai nhân vật hoặc tác giả HS đóng vai, diễn một số đoạn/ cảnh tiêu biểu trong văn bản, thử nghiệm cảm xúc của nhân vật (khi dạy đoạn trích Ra Ma buộc tội (trích từ sử thi Ra ma ya na - Ấn Độ) hay đoạn trích Tình yêu và thù hận (trích từ kịch Rô mê ô và Giu li ét).

b. Biện pháp khác cũng khá thú vị khi dạy học văn bản nghệ thuật giàu chất hội họa là yêu cầu HS vẽ tranh.

c. Cho HS bày tỏ cảm nhận về văn bản nghệ thuật bằng phổ nhạc, hoặc thể hiện bằng âm nhạc. GV có thể yêu cầu HS hát những bài hát cùng đề tài của tác giả đang học, hoặc thậm chí tự phổ nhạc cho thơ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ