Giáo viên trước chương trình mới: Thách thức và giải pháp

GD&TĐ - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông mới - cho rằng, trong thời gian quá độ chuẩn bị chuyển sang dạy học theo Chương trình và sách giáo khoa mới, mỗi trường, mỗi tổ bộ môn và mỗi giáo viên cần nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ của chính mình.

Giáo viên trước chương trình mới: Thách thức và giải pháp

Những yêu cầu mới

Khi nói đến đổi mới dạy học, người ta thường quan tâm đến hai phương diện: Nội dung dạy học và phương pháp dạy học. Nhấn mạnh điều này, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nội dung dạy học có thể thay đổi không nhiều, thậm chí không thay đổi, nhưng phương pháp dạy học cần luôn biến đổi nhằm lựa chọn, tìm kiếm những con đường và cách thức chuyển tải nội dung đến người học một cách hiệu quả nhất.

Cùng một nội dung dạy học nhưng có rất nhiều cách thức, nhiều con đường để đạt được mục tiêu dạy học, nhất là khi phương pháp gắn liền với phương tiện và hình thức dạy học. Cũng như nhiều ngành khác, phương pháp dạy học phụ thuộc rất nhiều vào cách tạo ra sản phẩm. Muốn thế phải liên tục tìm kiếm, lựa chọn các công cụ và phương pháp tiên tiến, mới mẻ, có hiệu quả cao...

Theo tinh thần trên, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học đã và luôn đặt ra với giáo dục phổ thông. Chương trình và sách giáo khoa hiện hành được thực hiện từ năm 2002 cũng đặt ra yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Nói riêng về môn Ngữ văn, PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết: Một trong các yêu cầu đổi mới phương pháp với môn học này là cần chuyển từ phương pháp giảng văn sang phương pháp dạy đọc hiểu; chuyển từ việc thầy giảng cho trò nghe thành thầy tổ chức cho học sinh biết cách đọc tác phẩm, tự đọc được văn bản…

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong thực tế dạy học, phần lớn giáo viên vẫn đang theo cách dạy cũ: Giảng cho học sinh nghe những gì mình biết, mình nghĩ; đọc hoặc chiếu cho học sinh các kết quả cần ghi, học sinh cứ thế mà tiếp nhận và học thuộc những gì thầy cô truyền dạy. Và khi kiểm tra thì viết lại tất cả những gì thầy cô đã cho ghi hoặc bài mẫu có sẵn trong sách…

Cũng theo Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong mấy năm gần đây, việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông đã có nhiều chuyển biến; thể hiện rõ nhất là yêu cầu chuyển từ dạy học nội dung sang dạy học phát triển năng lực. Theo hướng này, việc dạy học Ngữ văn trước mắt tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Vẫn là những nội dung dạy học cũ, vẫn là các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa hiện hành, nhưng cần hướng dẫn học sinh đọc hiểu, phân tích và đánh giá theo cách thức mới.

Từ việc thầy cô chủ yếu giảng văn, nói cho học sinh nghe cái hay, cái đẹp của tác phẩm theo nhận thức và cảm thụ của mình chuyển sang biết tổ chức, hướng dẫn cho học sinh biết cách tiếp nhận, tự tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tác phẩm bằng những hiểu biết và cảm nhận của các em. Từ việc áp đặt những khuôn mẫu trong việc viết bài chuyển sang dạy cho học sinh biết cách thức tạo lập một văn bản đúng quy cách, có nội dung và biết diễn đạt, trình bày sáng sủa.

Từ việc coi nhẹ nói và nghe chuyển sang yêu cầu tập trung rèn luyện cho học sinh biết nói tự tin, rõ ràng, mạch lạc; biết nghe chính xác, có phản hồi linh hoạt, phù hợp. Cùng với đó là cách kiểm tra cũng phải thay đổi theo hướng đánh giá năng lực; xác định đúng khả năng vận dụng, tạo ra sản phẩm (đọc, viết, nói và nghe) của người học; chống chép văn mẫu, khuyến khích những suy nghĩ chân thực và cách trình bày sáng tạo của người học.

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cùng thay đổi

PGS Đỗ Ngọc Thống
 PGS Đỗ Ngọc Thống

Những yêu cầu mới nói trên thực sự là một thách thức rất lớn với tất cả mọi giáo viên, còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Nhìn rõ các khó khăn cũng là để đề xuất giải pháp tương ứng.

Khó khăn và giải pháp đầu tiên, theo PGS Đỗ Ngọc Thống, là nhận thức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cần phải thay đổi; cần nhận thức rõ và hiểu được yêu cầu đổi mới cách dạy học theo yêu cầu mới. Cụ thể, mỗi giáo viên cần trả lời được câu hỏi: Dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực với môn học Ngữ văn có gì khác với cách dạy hiện hành, khác cách dạy học chạy theo nội dung? Tại sao phải chuyển sang cách dạy ấy? Việc thực hiện cách dạy này gặp những khó khăn gì?...

Đưa ra giải pháp, PGS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh việc cần tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên bằng nhiều cách, trong đó có việc biên soạn các tài liệu về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực. Đồng thời, các nhà trường sư phạm, các cơ sở đào tạo cần chuẩn bị kịp tài liệu, giáo trình và các nội dung đào tạo theo định hướng phát triển năng lực.

Khó khăn và giải pháp tiếp theo là cần có thực lực, tức giáo viên phải có năng lực thực sự về cách dạy học mới. Nhận thức là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác, một yêu cầu cao và cần hơn yêu cầu nhận thức.

Do nhiều nguyên nhân (cách tuyển đầu vào: Cách thức đào tạo, bồi dưỡng; chế độ, chính sách và điều kiện dạy học…), nhiều giáo viên chưa đủ thực lực để thực hiện nhiệm vụ dạy học hiện hành chứ chưa nói đến yêu cầu đổi mới. Chính vì thế cần có giải pháp để thay đổi trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên. Điều này liên quan đến rất nhiều tổ chức, các bộ ngành và chủ trương của Chính phủ, Quốc hội…

“Giải pháp trước mắt là trong thời gian quá độ chuẩn bị chuyển sang dạy học theo Chương trình và sách giáo khoa mới; mỗi trường, mỗi tổ bộ môn và mỗi giáo viên cần nỗ lực để tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ của chính mình để một mặt cải thiện kết quả dạy học hiện hành, mặt khác chuẩn bị đón nhận chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới một cách thuận tiện" - PGS Đỗ Ngọc Thống nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ