Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 5/2017, cả nước có 209.754 người nhiễm HIV còn sống sau khi đã rà soát, trong đó có 8.772 người trùng lặp hoặc không tìm thấy.
Số lượng bệnh nhân nhiễm HIV vẫn tăng
Cũng trong 5 tháng đầu năm, có 1.959 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS tính từ đầu vụ dịch đến nay.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, số trường hợp HIV dương tính mới phát hiện khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%, số bệnh nhân AIDS giảm 21%, số tử vong giảm 34%.
Như vậy nhìn chung dịch HIV vẫn đang có xu hướng giảm ở 3 tiêu chí là số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS.
Hiện có 20 tỉnh phát hiện HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là các tỉnh: Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TPHCM và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TPHCM có số nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước.
Điều đáng lưu ý là một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì số mới nhiễm HIV được phát hiện vẫn gia tăng. Điều này cho thấy HIV vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu chúng ta không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế.
Theo các chuyên gia dịch tễ, con đường lây truyền của HIV ở Việt Nam trong thời gian qua không có sự thay đổi. Trong số người nhiễm HIV phát hiện mới, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, mẹ sang con là 3%. Như vậy đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, cảnh báo dịch HIV ở Việt Nam ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Hỗ trợ người bệnh tiếp cận nguồn thuốc
Nhằm hạn chế số người mắc mới và những người đã mắc HIV có BHYT có thể tiếp cận được với nguồn thuốc điều trị ARV một cách tốt nhất, mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 28/2017/TT-BYT có hiệu lực từ 15/8/2017 quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có BHYT. Theo đó, Thông tư này quy định về mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc kháng HIV sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, định kỳ hàng tháng, cơ sở y tế có trách nhiệm thống kê số lượng thuốc đã sử dụng tại cơ sở trong tháng đó; số lượng thuốc hiện đang tồn kho và hạn sử dụng của thuốc tồn kho để làm căn cứ điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp số lượng thuốc tồn kho thừa so với nhu cầu hoặc không đủ so với nhu cầu điều trị hoặc thuốc chỉ còn hạn sử dụng dưới 6 tháng: Cơ sở y tế có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thuốc về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS). 10 ngày sau, nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm điều phối thuốc kháng HIV theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Trường hợp cơ sở y tế bị thiếu thuốc đột xuất do thiên tai, thảm họa, thay đổi phác đồ điều trị hoặc các tình huống bất khả kháng khác, cần báo ngay cho cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh trong vòng 24 giờ. Sau 1 ngày, cơ quan chuyên trách này có trách nhiệm thực hiện điều phối thuốc từ cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh đến cơ sở y tế yêu cầu và báo cáo với Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để thực hiện việc cấp bổ sung thuốc cho các cơ sở y tế bị thiếu thuốc đột xuất…
Trường hợp thuốc mất mát, hư hỏng, hết hạn do cơ sở y tế hoặc nhà thầu gây ra thì cơ sở y tế và nhà thầu trúng thầu phải chịu trách nhiệm và không được thanh toán vào nguồn Quỹ BHYT.
Trường hợp thuốc kháng HIV tồn kho đã báo cáo Bộ Y tế để thực hiện điều phối nhưng không có cơ sở y tế tiếp nhận dẫn đến hết hạn sử dụng thì cơ sở y tế nơi có thuốc tồn kho phải chịu trách nhiệm và không được thanh toán vào nguồn Quỹ BHYT.
Thông tư cũng quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí thuốc kháng HIV, trong đó có quy định rõ Quỹ BHYT chỉ tạm ứng, thanh quyết toán chi phí thuốc kháng HIV sử dụng trực tiếp cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.