Theo Independent, trong vòng 3 năm, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu AIDS IrsiCaixa Barcelona (Tây Ban Nha) đã tiêm cho 24 bệnh nhân mới mắc HIV 2 loại văcxin có tác dụng kích thích sản xuất bạch cầu để nhận biết và tiêu diệt tế bào nhiễm virus.
Sau đó, 15 tình nguyện viên nhận thêm một liều văcxin bổ sung cùng thuốc chống ung thư romidepsin với mục đích "dụ" HIV rời khỏi chỗ ẩn nấp.
Kết thúc thời gian thử nghiệm, virus quay trở lại tấn công 10 bệnh nhân nhưng hoàn toàn biến mất ở 5 người dù họ không còn dùng thuốc kháng virus hàng ngày (ART) suốt nhiều tuần, đặc biệt một trường hợp đã dừng thuốc 7 tháng.
Nhà khoa học Beatriz Mothe, người đứng đầu công trình cho biết đội ngũ của bà đã đi đúng hướng để phát triển phương pháp điều trị thay thế cho thuốc ART.
Ảnh:Independent. |
Liên Hợp Quốc ước tính 50% bệnh nhân HIV khắp thế giới tương đương 18 triệu người sử dụng ART nhằm kiểm soát virus. Tuy nhiên, ART đắt đỏ, đôi khi gây ra tác dụng phụ không mong muốn và yêu cầu bệnh nhân nhớ uống mỗi ngày.
Mitchell Warren, giám đốc điều hành tổ chức vận động viện trợ văcxin HIV AVAC (Mỹ) nhận định nghiên cứu trên dù quy mô nhỏ song "thú vị và quan trọng". "Phương pháp điều trị không đòi hỏi uống thuốc mỗi ngày sẽ giúp 37 triệu người nhiễm HIV phát hiện bệnh sớm và ngăn lây nhiễm. Đây là cơ hội tuyệt vời để đảo ngược đại dịch", ông nói.
Ngoài ra, năm 2015, chi phí mua thuốc ART cho các nước nghèo tiêu tốn khoảng 19 tỷ USD. Nếu văcxin HIV được điều chế thành công, con người sẽ tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ.