Nhân viên y tế đối mặt với phơi nhiễm HIV từ người bệnh

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, tại bệnh viện đã có gần 200 nhân viên y tế bị phơi nhiễm với máu và dịch tiết từ người bệnh.

Điều trị cho một bệnh nhân nhiễm HIV
Điều trị cho một bệnh nhân nhiễm HIV

Tại Hội nghị khoa học thường niên của Bệnh viện Chợ Rẫy 2017, ThS.BS Đặng Thị Vân Trang (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn) cho biết: Từ năm 2014-2016 đã có 191 trường hợp nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy bị phơi nhiễm với máu và dịch tiết từ người bệnh. Trong số đó có 43 bác sĩ, 55 điều dưỡng, 8 kỹ thuật viên, 73 sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, 12 nhân viên làm sạch.

Đáng chú ý, BS Vân Trang cho biết, trong số 191 nhân viên y tế bị phơi nhiễm thì phơi nhiễm trên bệnh nhân có HIV dương tính chiếm 9,9%; không rõ nguồn gốc chiếm 8,4%.

Các trường hợp phơi nhiễm xảy ra chủ yếu là do kim hoặc dao đâm (chiếm 85,4%). Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm do máu và dịch tiết bắn vào mắt.

Nhân viên y tế có thể bị phơi nhiễm từ những thao tác nhỏ nhất như tiêm truyền, rút máu, đậy nắp kim, hủy kim, thao tác phẫu thuật và thu gom rác.

BS Trang cho biết: Chỉ cần một thao tác bất cẩn hoặc không tuân thủ phòng hộ theo quy định cũng có thể khiến nhân viên y tế bị phơi nhiễm.

Tất cả các nhân viên y tế bị phơi nhiễm với HIV và không rõ nguồn gốc đều được điều trị phác đồ với thuốc trong 4 tuần và theo dõi trong 1 năm.

Các trường hợp chưa có kháng thể hoặc kháng thể thấp với viêm gan B đều được tiêm ngừa ngay sau phơi nhiễm. Đa số các trường hợp phơi nhiễm được điều trị đều cho kết quả tốt.

Không chỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tại các bệnh viện có điều trị HIV khác, nguy cơ phơi nhiễm của các bác sĩ cũng khá cao. Một nữ bác sĩ làm việc tại một bệnh viện chuyên chăm sóc điều trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Bình Phước cũng bày tỏ những lo sợ bị nhiễm HIV. Đa số các bệnh nhân ở đây đều bị gia đình kỳ thị và từng nghiện ma túy, do đó tâm lý bệnh nhân cũng không ổn định lắm.

Hàng ngày, y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh lao và các bệnh lây qua đường máu khác. Biết vậy nên ai cũng rất cẩn thận, một phần là để phòng bệnh cho mình, phần kia là phòng bệnh cho các bệnh nhân vì sức đề kháng của họ yếu, rất dễ mắc thêm bệnh.

Bệnh viện 09, nơi điều trị cho những người bị AIDS giai đoạn cuối tại Hà Nội, cán bộ y tế làm việc trong môi trường 100% bệnh nhân HIV thì nguy cơ phơi nhiễm không chỉ với HIV mà tất cả các bệnh về đường hô hấp rất cao, cao hơn đối với việc phơi nhiễm trong cộng đồng. Chỉ một sơ suất nhỏ trong công việc cũng có thể gặp rắc rối. Nơi đây đã từng có vài nhân viên bị phơi nhiễm như vậy.

Theo các bác sĩ, khi bị phơi nhiễm, người bị phơi nhiễm cần xử lý vết thương tại chỗ, để máu chảy tự nhiên, không nặn bóp tránh làm đụng dập vết thương, xối vết thương dưới vòi nước sạch, rửa sạch bằng xà phòng.

Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc, nhỏ mắt liên tục bằng nước muối sinh lý hoặc xúc miệng, họng bằng nước muối sinh lý. Sau đó cần cần báo cáo cho người phụ trách, ghi rõ thời gian, hoàn cảnh xảy ra phơi nhiễm, gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ vết thương, xác định mức độ nguy cơ phơi nhiễm, làm xét nghiệm HIV...

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.