Luật phải là nền tảng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo cơ chế hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định trực tiếp hoặc gián tiếp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Nhưng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ra đời phải trở thành văn bản pháp luật có vị trí trung tâm và nền tảng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phải thiết kế được những tiêu chí cơ bản để trên cơ sở này các luật chuyên ngành đưa ra các quy định cụ thể” – đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ra đời phải trở thành văn bản pháp luật có vị trí trung tâm và nền tảng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị, cần rà soát để đưa ra các quy định đặc thù chưa được quy định tại các văn bản pháp luật khác, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột với các văn bản pháp luật liên quan.
Đại biểu Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) nhận xét, hiện nay, số lượng các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng tăng với nhiều hình thức tinh vi. Song, dự thảo Luật mới tập trung quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh mà chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, sự phân cấp cho UBND các cấp ở địa phương. Như vậy người tiêu dùng đã có thể yên tâm là quyền lợi của mình được bảo vệ thực sự hay chưa? Đại biểu Ly Kiều Vân đề nghị, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Nhà nước, từng cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là một số bộ như Bộ Công thương, Bộ Y tế...; việc phân công, phân cấp của Chính phủ cho cơ quan nhà nước quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho UBND các cấp trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương bởi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực cần có sự phối hợp tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan. Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), cho rằng, các quy định của dự thảo Luật chủ yếu tập trung giải quyết hậu quả của các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; việc phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc này còn mờ nhạt. Cần tính cả phương thức phòng bệnh chứ không chỉ chữa bệnh. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm thông tin về hàng hóa để định hướng cho người tiêu dùng.
Luật vẫn chưa bao quát hết đối tượng cần điều chỉnh
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét lại vì quy định như dự thảo Luật là chưa bao quát hết các đối tượng cần điều chỉnh. Theo các Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Lý Kim Khánh (đoàn Cà Mau), khái niệm hàng hóa được hiểu bao gồm cả hàng hóa vật chất và dịch vụ. Dự thảo Luật quy định chủ yếu về hàng hóa, còn các loại hình dịch vụ ít được đề cập trong khi nhu cầu sử dụng các dịch vụ của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hương (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất bên cạnh cá nhân, tổ chức kinh doanh vì cá nhân, tổ chức sản xuất mới là người biết rõ nhất chất lượng của sản phẩm.
Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về tổ chức bảo vệ quyền lợi trong dự thảo Luật nhưng cần quy định rõ hơn về địa vị pháp lý, chức năng, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, thủ tục thành lập... để bảo đảm cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện tốt vai trò đại diện của mình. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Bình (đoàn Cao Bằng), việc thành lập tổ chức bảo vệ người tiêu dùng rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của các tổ chức này còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính... do đó chưa phát huy được hiệu quả. Và sẽ khó phát huy hiệu quả hơn nữa nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, cần có quy định về cơ chế hỗ trợ của nhà nước, sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức này trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quang Anh