Sáng 23/12, tại Sơn La, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại diện cơ quan Trung ương dự hội nghị có: Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ.
Đại biểu đại diện các tỉnh trong vùng có: Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; các Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang; 14 giám đốc các sở GD&ĐT, lãnh đạo các phòng chức năng của Sở và đại diện lãnh đạo một số sở ngành một số địa phương trong vùng.
Về phía Bộ GD&ĐT có: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ; đại diện lãnh đạo các vụ, cục chức năng của Bộ; lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH trong vùng, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phát triển bền vững khu vực: Vấn đề lớn cần quan tâm trước mắt và lâu dài
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sau Đại hội 13 của Đảng, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển vùng, đề ra đường lối, chủ trương và giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh của các vùng trong sự phát triển chung của đất nước.
Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết để phát triển các vùng; trong đó, Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong các nghị quyết vùng được ban hành đầu tiên. Điều này thể hiện mối quan đặc biệt tới vùng. Tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 11.
Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đều đã có kế hoạch triển khai riêng của mình để thực hiện Nghị quyết 11 và Chương trình hành động của Chính phủ.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Khu vực các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vùng nhiều khó khăn, nhiều thách thức, mức sống của người dân và điều kiện kinh tế - xã hội cần cải thiện nhiều. Phát triển bền vững khu vực là vấn đề lớn cần đặt ra, quan tâm trước mắt cũng như lâu dài.
Trong các giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo, giải pháp phát triển nhân lực, đặc biệt là phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp, để thúc đẩy sự phát triển của vùng.
“Nhận thức được điều đó, Hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nhìn nhận ưu điểm, thành tựu, nhận thức hết, đánh giá sâu về các khó khăn và đề ra giải pháp nhằm phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, cho vùng và vì mục tiêu phát triển chung của cả nước. Đây cũng là dịp để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất về tư tưởng và hành động để cùng phát triển”, Bộ trưởng thông tin.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại Hội nghị. |
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giáo dục
Vùng trung du miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta; là “phên dậu” của Tổ quốc, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,2%, địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.
Thông tin về kết quả phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2022 vùng trung du miền núi Bắc bộ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố, phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non. Tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đi học. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT.
Năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020. Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 37 với nhiều thành quả quan trọng, năm 2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm động lực cho Trung du và miền núi Bắc bộ. Trong nỗ lực vượt khó vươn lên của cả vùng, có dấu ấn và đóng góp của lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Tính đến năm 2022, trong vùng có 6 cơ sở giáo dục đại học và 6 trường cao đẳng sư phạm.
Năm học 2020 - 2021, quy mô đào tạo đại học là 63.633 sinh viên, thạc sĩ là 3.586 học viên và 174 nghiên cứu sinh. Các trường tập trung đào tạo các ngành: sư phạm, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, … góp phần cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo cho các tỉnh trong vùng.
Tỷ lệ trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia của vùng cao hơn so với bình quân cả nước. Tỷ lệ trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia tăng trong những năm qua, tuy nhiên vẫn thấp hơn bình quân cả nước.
Các địa phương trong vùng đã chủ động rà soát quy hoạch và xóa các điểm trường lẻ, sắp xếp lại trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ theo hướng thành lập các trường liên cấp, liên xã. Nguyên tắc là tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn, song bằng những cách làm sáng tạo, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã và đang tự tin hòa nhịp cùng cả nước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc. Giáo dục mầm non được quan tâm đầu tư, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực và thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước.
Năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp.
Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, đứng thứ nhất toàn quốc, trong đó, các tỉnh Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu có tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 100%.
Tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường đạt 99,9%, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao hơn trung bình chung cả nước và chỉ đứng sau Đồng bằng Sông Hồng.
Cách đây 10 năm, học sinh phổ thông dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực còn chưa xuất hiện tên các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Nhưng những năm qua, học sinh từ các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Bắc Giang, Lào Cai đã ghi danh vào danh sách này.
Kết quả giáo dục mũi nhọn đã khẳng định hướng đi đúng của các địa phương trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, từng bước rút ngắn khoảng cách với các vùng thuận lợi.
Những chuyển biến về giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian qua là kết quả từ nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho người học, cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cho đầu tư cơ sở vật chất trường lớp…
Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tăng 40,2% so với năm 2011. Trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.
Trung du và miền núi Bắc bộ đang khởi sắc. Song, trong bức tranh chung của đất nước, đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp thấp nhất cả nước. Đó là hàng ngàn phòng học còn thiếu, hàng ngàn học sinh phải học trong các phòng học tạm, phòng học nhờ, là hàng trăm giáo viên còn thiếu nhà công vụ, thiếu nước sạch.
Đó là tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Ngân sách đầu tư cho giáo dục hạn chế, xã hội hoá giáo dục nhiều khó khăn...
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Phấn đấu tiệm cận mặt bằng chung cả nước
Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Trong đó xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững vùng. Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông trung học bán trú, trường phổ thông trung học nội trú và trường dự bị đại học. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường đại học trong vùng...”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vừa phải đi con đường chung của đổi mới căn bản, toàn diện cùng cả nước, nhưng cũng cần có định hướng và đường đi riêng.
Về mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030 của vùng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Mục tiêu chung là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng trung du miền núi Bắc bộ được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học. Cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý hơn. Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học. Xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; tập trung đầu tư phát triển một số viện/trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng trung du miền núi Bắc bộ tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.
Định hướng về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2045: Phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với vùng đồng bằng sông Hồng và từng bước tiệm cận với nền giáo dục phát triển.
Cùng với đó, thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời. Quy hoạch mạng lưới mở, không hạn chế sự phát triển của các trường tư thục. Tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.
Đến 2025, vùng trung du miền núi Bắc bộ cũng phấn đấu hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng. Thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông được đầu tư mua sắm đầy đủ; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục trong vùng đạt mức cơ sở vật chất tối thiểu.
7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-ĐT đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 vùng trung du miền núi Bắc bộ:
1. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo.
2. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
3. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
4. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
5. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
6. Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.
7. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.