Chăm lo giáo dục vùng dân tộc

GD&TĐ - Các địa phương thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng bằng cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển GD&ĐT dân tộc.

Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển vùng dân tộc góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển vùng dân tộc góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Quan tâm, tạo điều kiện phát triển giáo dục dân tộc

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, số học sinh dân tộc Khmer và dân tộc Hoa được huy động đến lớp từ bậc mầm non đến THPT hơn 92 nghìn, chiếm 35,59% số học sinh toàn tỉnh. Trong đó, học sinh dân tộc Khmer chiếm 30,73%, dân tộc Hoa chiếm 4,86%. Hiện toàn tỉnh có 133 trường học dạy tiếng Khmer với 42.204 học sinh; 5 trường, 54 lớp dạy tiếng Hoa với 1.627 học sinh. Ngoài ra, địa phương còn có 10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với hơn 3.000 học sinh theo học hàng năm.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhiều trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của trẻ em vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng: Năm học 2022 -2023, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững.

Ngành Giáo dục Sóc Trăng xây dựng đề án về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới, định hướng theo trường chuẩn quốc gia. Ngoài việc được đầu tư nâng cấp trường lớp, quan tâm đến công tác giáo dục, chuẩn bị cho năm học mới, học sinh dân tộc, học sinh thuộc hộ nghèo cũng được cả xã hội chung tay quan tâm.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng dân tộc và các trường phổ thông dân tộc nội trú, tỉnh Sóc Trăng còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc để góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và đặc trưng văn hóa đa dân tộc tại địa phương. Thời gian qua, việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh đồng bào dân tộc.

Để giúp cho cán bộ biết viết, biết nói tiếng Khmer và thuận tiện hơn trong công tác giao tiếp, trao đổi của đơn vị, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện đề án “Đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Đề án được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 năm 2019 - 2020 và giai đoạn 2 năm 2021 - 2025). Đề án tập trung đào tạo 3 lớp là lớp tiếng Khmer căn bản, lớp nâng cao và lớp biên - phiên dịch.

Trong giai đoạn 1, đề án đã đào tạo tiếng Khmer cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Học viên có thể giao tiếp, viết và đọc tiếng Khmer, phục vụ tốt hơn trong công việc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Giai đoạn 2, tỉnh sẽ đào tạo thêm 830 học viên: trình độ căn bản 420 học viên, trình độ nâng cao là 240 và 170 học viên lớp biên - phiên dịch đang công tác trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Cô trò trường mầm non huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

Cô trò trường mầm non huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

Đảm bảo chất lượng giáo dục

Tại tỉnh Kiên Giang, đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018 - 2025” góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Toàn tỉnh Kiên Giang có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc có 261.134 người, chiếm tỷ lệ 14,94%, (dân tộc Khmer có 230.500 người, chiếm 13,19%; Hoa có 29.606 người, chiếm 1,69%; dân tộc khác 1.028 người, chiếm 0,06%). Đồng bào dân tộc ở Kiên Giang chủ yếu cư trú ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… Đây là địa bàn khó khăn về GD&ĐT, do đó luôn quan tâm, có các chính sách để phát triển bền vững.

Tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vùng dân tộc, đồng thời triển khai đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018 - 2025”. Kết quả, số học sinh dân tộc theo học ở các cấp học hơn 41 nghìn, chiếm tỷ lệ 13,7%.

Chất lượng giáo dục vùng dân tộc ngày càng được nâng cao, thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước về GD&ĐT. Quy mô trường lớp tiếp tục được đầu tư; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh dân tộc. Hằng năm huy động học sinh dân tộc từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt trên 90%. Toàn tỉnh hiện có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, huy động trên 1.600 học sinh. Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú tỉnh Kiên Giang dạy nghề cho hơn 600 học sinh dân tộc...

Chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT hằng năm đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 2%. Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh có 61,2% trúng tuyển đại học, cao đẳng, 3,24 % học đại học hệ cử tuyển, 25,84% học nghề...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ