Nhờ sự chuẩn bị bài bản từ những năm học trước, các nhà trường đã tìm cách gỡ rối khi dạy tích hợp. Song song với đó, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường sáng tạo nhiều phương pháp tương tác, tạo sự hoà nhập cho học sinh khi bước vào môi trường mới.
Triển khai dạy môn tích hợp
Bắt đầu từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 trên toàn quốc theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, sách giáo khoa mới xuất hiện môn học tích hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học và Sinh học), Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).
Nhà giáo Đào Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), cho biết: Trước khi bước vào năm học 2021-2022, Phòng giáo dục đã tổ chức cho giáo viên dạy lớp 6 trong các nhà trường nghiên cứu sách giáo khoa môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Từ đó, thầy cô sẽ phân tích, bóc tách số lượng kiến thức Vật lý, Hoá học và Sinh học có trong sách. Sau đó, nhà trường phân công 3 giáo viên dạy song song một môn.
Theo nhà giáo Bích Ngọc, việc giảng dạy môn tích hợp không bị xáo trộn do giáo viên đã có thời gian nghiên cứu sách giáo khoa, phân loại kiến thức để tránh sự trùng lặp, đan xen giữa các môn học.
Thầy giáo Lê Văn Vỹ, giáo viên môn Địa lý tại Trường TH&THCS Đinh Núp, Đắk Lắk, đánh giá: Ở môn Lịch sử và Địa lý lớp 6, chương trinh các phân môn trong hai môn này là tách biệt nên hai giáo viên có thể cùng nhau thảo luận lên kế hoạch giảng dạy song song. Tuy nhiên, một số bài học cần liên kết kiến thức giữa hai môn khiến một trong hai giáo viên gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá và vào điểm cũng khiến thầy cô lúng túng. Khi cho điểm, giáo viên chúng tôi phải kết hợp thảo luận về tình hình học tập của từng em trong các phân môn để cho điểm khách quan, phù hợp nhất.
“Để việc dạy môn tích hợp hiệu quả, không chỉ đòi hỏi giáo viên các môn phối hợp, lồng ghép giữa giảng dạy và kiểm tra, mà thầy cô cũng cần tăng cường trau dồi, mở rộng kiến thức. Ví dụ, là giáo viên dạy Địa lý, tôi tự học thêm kiến thức Lịch sử để có thể lồng ghép nhiều bài học hay cho học sinh”, thầy Vỹ cho hay.
Tổ chức dạy học trực tuyến
Thầy giáo Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đánh giá, sau gần một học kì, việc triển khai chương trình GDPT 2018 cho học sinh khối 6 nhà trường tương đối thuận lợi. Bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường đã linh hoạt ứng dụng công nghệ trực tuyến để đảm bảo "tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học".
Nhà trường đã thiết kế kế hoạch quản lý học sinh ra, vào lớp học trực tuyến để lược bỏ thời gian điểm danh đầu giờ, giúp giáo viên, học sinh tận dụng tối đa thời gian học.