Mức độ “tích hợp” hiện hành
PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, tích hợp đã trở thành xu thế phát triển của CT giáo dục phổ thông ở nhiều nước từ những năm 60 của thế kỉ XX và ngày càng được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tích hợp giữa các kiến thức của một số ngành có liên quan một cách hợp lí sẽ tạo điều kiện bổ trợ lẫn nhau, cũng như tránh được sự trùng lặp, chồng chéo không cần thiết.
Đây là một yêu cầu, là vấn đề trọng yếu của khoa học giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bậc phổ thông. Việc xích lại gần nhau của các ngành khoa học đòi hỏi chúng ta cần xem xét lại các môn học trong mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng, đặc biệt ở những môn học có những kiến thức, kĩ năng hỗ trợ cho nhau.
CT, SGK môn Lịch sử ở THCS và THPT hiện hành đã tích hợp ở mức độ thấp với tư cách là môn độc lập, sử dụng kiến thức các môn học khác để làm sáng tỏ, bổ sung cho môn học Lịch sử. Thực chất là đã dùng kiến thức liên môn trong các bài lịch sử.
Khẳng định điều này, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho biết: Trong SGK lịch sử đã có những kiến thức đơn giản về văn học, địa lí, giáo dục công dân, kinh tế, triết học, khoa học, nghệ thuật… của thế giới và Việt Nam. Ví dụ, khi trình bày về các quốc gia cổ đại phương Đông, phương Tây, Đông Nam Á... SGK lịch sử đã có nội dung giới thiệu về điều kiện địa lí của các quốc gia đó như đất đai, sông ngòi, công tác thuỷ lợi… để minh chứng rằng điều kiện địa lí đã ảnh hưởng đến sự phát triển của lịch sử mỗi quốc gia này như thế nào.
Liên quan đến các kiến thức về kinh tế, hầu hết các bài nói về các cuộc cách mạng tư sản, như cách mạng tư sản Pháp thế kỉ XVIII, SGK nhất định phải trình bày tình hình kinh tế trước khi cuộc cách mạng nổ ra... Những bài về sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ, các triều đại của thế giới, khu vực, Việt Nam... đều sử dụng kiến thức liên môn, liên ngành, kể cả Toán học khi dạy về chữ số.
PGS Nghiêm Đình Vỳ |
Tăng tích hợp lịch sử - địa lí
Theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, cần tăng thêm việc tích hợp lịch sử - địa lí trong nội dung cụ thể của chương, bài trong CT, SGK hiện hành cấp trung học. Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí khi học lịch sử đòi hỏi học sinh biết đặt các sự kiện lịch sử trong các bối cảnh địa lí, biết đánh giá tác động của các nhân tố địa lí đối với tiến trình lịch sử. Đối với sự hình thành các xã hội cổ đại, các vương quốc cổ, đó là các điều kiện địa lí của chính thời đại đó.
Vì thế, ngay ở CT lớp 6, trong nội dung dạy học về xã hội cổ đại (Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, Ấn Độ cổ đại, Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp và Roma cổ đại), về sự hình thành các vương quốc cổ ở Đông Nam Á, các nhân tố địa lí đã được chọn lọc để lí giải sự hình thành các xã hội cổ đại và các vương quốc cổ này. Việc sử dụng thường xuyên các bản đồ lịch sử trong dạy học sẽ nâng cao chất lượng dạy học lịch sử.
Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, đòi hỏi học sinh khi học địa lí biết phân tích tầm cỡ ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đối với các quá trình địa lí. Các em biết phân tích các đối tượng địa lí trong sự vận động và phát triển, biết đặt các phân tích địa lí trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Khi xem xét một hiện tượng địa lí có quá trình hình thành, phát triển, biến đổi, suy thoái, thực ra là đã thấm nhuần quan điểm lịch sử. Ngay ở cuối CT lớp 6, khi học về loài người trên trái đất, học sinh đã có thể sử dụng kiến thức lịch sử về xã hội cổ đại, đặc biệt là có thêm dẫn chứng về loài người là lực lượng hùng mạnh làm thay đổi thiên nhiên trên Trái đất.
Ảnh minh họa/ INT |
Mở rộng tích hợp đa môn, liên môn
Về đại thể, dạy học tích hợp đa môn được hiểu là trong các môn học riêng biệt, có tính truyền thống có lồng ghép nội dung một số môn học có liên quan, tạo khả năng hiểu biết rộng hơn cho HS. Trong dạy học tích hợp đa môn, người học sẽ được tiếp cận kiến thức từ nhiều bộ môn khác nhau, nhưng có liên quan, tạo ra những kết nối với nhau trong hoạt động giáo dục.
PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, thực ra điều này trong CT, SGK hiện hành đã có. Khi trình bày lịch sử một nước, đầu tiên phải nói đến điều kiện tự nhiên, rồi phân tích điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự phát triển của lịch sử. Kiến thức về văn học cũng vậy, được trình bày khi nói đến sự phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật của các triều đại lịch sử. SGK hiện hành đã trích dẫn các bài hịch, bài phú nổi tiếng như: Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, thơ của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi... để giáo dục học sinh tình cảm yêu nước, niềm tự hào dân tộc
Trước mắt, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phổ thông cần chủ động vận dụng cụ thể. PGS Nghiêm Đình Vỳ ví dụ: Khi dạy học về: “Các thành tựu văn hoá thời cận đại”, “Sự phát triển của cách mạng khoa học - kĩ thuật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai” trong CT lịch sử THCS, giáo viên có thể vận dụng các kiến thức đã học ở các môn Ngữ văn, Địa lí, các môn về khoa học tự nhiên... để giúp HS hiểu sâu sắc các nội dung đang học.
Đồng thời, giáo viên phải có những kiến thức cơ bản, phổ thông về các lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc, triết học... để làm nền tảng cho việc giảng dạy được tốt hơn. Đặc biệt, khi dạy về những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ cứu nước của dân tộc, giáo viên có thể sử dụng nhiều tư liệu văn học, nhất là thơ ca để minh họa, bổ sung kiến thức cho bài giảng thêm sinh động.