Hiện nay, một trong những vấn đề đáng lo ngại là tình trạng mắc trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên với dao động từ 5 - 8% và đặc biệt phổ biến ở nhóm tuổi dậy thì. Đáng nói, thi cử là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị áp lực, trầm cảm.
Những dấu hiệu đáng lo ngại
Theo bác sĩ Ninh Thị Mai Phương, Khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), các biểu hiện trầm cảm ở trẻ em, vị thành niên khá đa dạng và không điển hình. Tuy nhiên, phụ huynh có thể nhận thấy trẻ bị trầm cảm thông qua một số biểu hiện thường gặp.
Trước hết, tâm trạng của trẻ hay cáu kỉnh, thất thường (gắt gỏng, thù địch, cáu bộc phát…), giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí yêu thích trước đây (bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ...). Cùng đó, các em không muốn đi ra ngoài, rút lui xã hội, không tham gia hoạt động trên lớp hoặc không đi chơi với bạn bè. Đặc biệt, các em hay tránh né việc đi học, suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên, thay đổi giấc ngủ...
Mặt khác, nhiều học sinh còn thường xuyên phàn nàn mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày; Xuất hiện các vấn đề về hành vi (cố chấp, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác); có suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử; cảm giác vô dụng (cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương) hoặc tội lỗi quá mức, không thích hợp; Lạm dụng rượu và chất kích thích khác.
Theo bác sĩ Phương, một số nguy cơ của trầm cảm bao gồm trẻ có tiền sử trầm cảm trước đó, gặp khó khăn, thất bại trong học tập, mâu thuẫn quan hệ bạn bè, xung đột gia đình, hoặc đi kèm các rối loạn tâm thần như rối loạn hành vi, lo âu… Tình trạng bạo lực học đường và việc trẻ dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, nghiện game cũng trở thành nguy cơ liên quan đến trầm cảm.
Bác sĩ Phương phân tích thêm: “Nhìn chung, việc tiếp cận vấn đề này khá khó khăn bởi đôi khi phụ huynh không nhận ra hoặc phủ nhận vấn đề trẻ đang gặp phải. Hiện nay áp lực bài vở với trẻ từ THCS tăng lên. Ngoài việc bố mẹ trực tiếp theo dõi kết quả học tập của con còn thường xuyên “so kè” điểm số, năng lực giữa các học sinh. Do vậy, đây cũng trở thành nguyên nhân đưa đến sự căng thẳng trong học tập của các em.
Để trẻ chia sẻ những khó khăn về bản thân, những mối quan hệ xã hội, nhất là việc học hành… không dễ dàng. Do đó, việc tạo dựng lòng tin ở trẻ cần được phụ huynh xây dựng để giúp các em có đủ sự tin tưởng, mạnh dạn chia sẻ khó khăn với bố mẹ.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh: “Với trẻ gặp khó khăn trong học tập, khó theo kịp bạn bè… trước khi kết luận về sức học của trẻ, cha mẹ nên nghĩ đến việc đưa con đi khám tâm lý hoặc thực hiện các thực nghiệm trí tuệ để nhận định nguyên nhân dẫn tới tình trạng học chậm. Phụ huynh nên tránh một số hành động tiêu cực vô tình hoặc cố ý, ví như so sánh thành tích học của trẻ với bản thân trước đây hoặc “con nhà người ta”.
Đáng lưu ý, phụ huynh hãy biết lắng nghe con trong vai trò một người bạn với tinh thần khích lệ, động viên. Nếu con có những nhìn nhận, sai lầm, hạn chế, thất bại trong học tập, thi cử, phụ huynh cần tránh tạo áp lực, mắng, phạt… thay vào đó nên hướng dẫn nhẹ nhàng và khích lệ trẻ hướng tới điều đúng đắn, biết đứng lên sau vấp ngã. Có như vậy, học sinh mới cảm nhận được bờ vai nương tựa mỗi khi sai lầm, bởi tận đáy lòng các em luôn muốn làm đúng và trở thành niềm tự hào của cha mẹ.
Việc phụ huynh dọa cho con nghỉ học nếu không chịu học, ôn và thi tốt càng khiến trẻ ngại chia sẻ khó khăn, thất vọng về bản thân, sợ hãi việc học… từ đó tạo nên sức ép tâm lý không đáng có.
Phương pháp quan trọng hàng đầu để giúp trẻ vượt qua những áp lực và thất bại, chưa đạt kết quả cao trong học tập, kỳ vọng kết quả mong muốn sau các kỳ thi… là cha mẹ tích cực lắng nghe và cùng tìm hướng giải quyết trong ôn hòa; Cha mẹ khéo léo cùng tháo gỡ, giúp học sinh tìm thấy đường đi sau thất bại… thì các em mới mở lòng, chia sẻ về những suy nghĩ, khó khăn, hành động mà bản thân đang hướng tới”.
Bác sĩ Ninh Thị Mai Phương, Khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: NVCC |
Sắp xếp thời gian biểu khoa học
Theo bác sĩ Ninh Thị Mai Phương, Khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), các kỳ thi được xem như dấu mốc quan trọng trong quá trình học tập của mỗi người, đi kèm đó là những áp lực không dễ tránh. Để đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho học sinh, thầy cô nên hướng dẫn các em xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cho từng giai đoạn, tránh để chậm tiến độ dẫn đến học dồn dập, căng thẳng quá mức trong những ngày sát kỳ thi.
Bác sĩ Phương gợi ý, học sinh không nên học liên tục 3 - 4 tiếng/buổi, mà phải có quãng nghỉ. Thời gian học có thể từ 45 - 60 phút thì giải lao thư giãn để đầu óc, mắt được nghỉ ngơi và tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn. Các em có thể vận động nhẹ để tạo tâm lý vui vẻ, tránh vận động nhiều và mạnh.
Ngoài ra trong quá trình ôn tập, học sinh thường có cường độ hoạt động trí não cao nên cần cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm cả về chất và lượng. Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn do thừa năng lượng và thiếu dinh dưỡng. Tránh tập trung, bồi bổ quá mức hoặc chỉ ăn các thực phẩm được cho là bổ dưỡng, may mắn… gây mất cân đối dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ Phương lưu ý: “Giai đoạn ôn thi cao điểm, học sinh nên hạn chế sử dụng điện thoại, Internet, mạng xã hội khi không cần thiết, tránh sa đà mất thời gian, gây căng thẳng mắt và thần kinh. Ngủ đủ giấc giúp phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ, đồng thời giúp hồi phục năng lượng, giảm căng thẳng thần kinh sau một ngày dài học tập…”.
Theo Tổ chức Giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) khuyến nghị, trẻ em lứa tuổi học đường nên có thời lượng ngủ mỗi ngày như sau: 3 - 6 tuổi: 10 - 12 giờ, 6 - 12 tuổi: 9 - 12 giờ, trên 12 tuổi: 7 - 11 giờ. Trẻ nhỏ nên đi ngủ sớm trước 9 giờ và trước 10 giờ với trẻ lớn. Các em cũng nên dậy đúng giờ, tập thể dục nhẹ nhàng giúp tuần hoàn máu tốt hơn, hỗ trợ cung cấp oxy lên não, giúp trẻ tỉnh táo, minh mẫn hơn, đồng thời hình thành thói quen vận động để có sức khỏe tốt hơn và tăng cường hệ miễn dịch.