Cùng con bước qua kỳ thi khi kết quả không như kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kết quả thi không đạt như kỳ vọng khiến nhiều thí sinh rơi vào trạng thái hụt hẫng, chán nản và từ đó dẫn đến các vấn đề sức khỏe tinh thần.

TS Nguyễn Thị Thắm tham vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ vị thành niên. Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Thị Thắm tham vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ vị thành niên. Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Thị Thắm, chuyên gia tâm lý giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm để phụ huynh đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn quan trọng này.

“Thoa kem” cho vết thương

Sau đại dịch Covid-19, từ tháng 4/2022, khi học sinh trở lại trường đến nay, TS Nguyễn Thị Thắm - Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Giáo dục Braincare, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tiếp cận và hỗ trợ tâm lý cho nhiều học sinh, đặc biệt là các em lớp 9, 12 - lứa tuổi bước vào các kỳ thi chuyển cấp.

Hầu hết các em đến tham vấn, trị liệu tâm lý là trường hợp nặng đến rất nặng, có những bạn nằm ở nguy cơ tự tử cao, thậm chí đã thực hiện hành vi này nhưng không thành công. Rối loạn lo âu, cảm xúc hành vi hay hưng trầm cảm là những vấn đề sức khỏe tâm thần mà nhiều học sinh mắc phải.

TS Nguyễn Thị Thắm chia sẻ về trường hợp một học sinh lớp 9, em đặt mục tiêu vào lớp chuyên Anh của trường chuyên nhưng không đạt được kỳ vọng. Kết quả này, cộng với những cảm xúc lo âu, sợ hãi tích tụ trước kỳ thi vào lớp 10, đã tạo nên cú sốc tinh thần lớn với em. Em hụt hẫng, chán nản và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chết. Câu chuyện trên chỉ là một trong số nhiều trường hợp học sinh gặp áp lực trước và sau các kỳ thi quan trọng mà TS Thắm đã ghi nhận.

Theo TS Thắm, trước mỗi kỳ thi, hầu hết học sinh và gia đình đều hy vọng trúng tuyển vào ngành, trường học như mong muốn. Khi kỳ thi trôi qua và thí sinh không đạt kết quả theo kỳ vọng là thời điểm phụ huynh cần “thoa kem” để vết thương “thi trượt” không còn nhức nhối và chữa lành những tổn thương bên trong các em. Đó là lúc phụ huynh và học sinh phải học cách chấp nhận thất bại, dẫu biết rằng không dễ dàng vượt qua.

Ở giai đoạn này, phụ huynh lưu ý không đổ lỗi cho con. Việc bố mẹ liên tục nhắc lại thất bại vừa qua như “Tại vì... mà con mới như thế”, “Giá như con...” hoặc so sánh với các bạn khác sẽ đồng nghĩa đang xây dựng một cơ chế đổ lỗi. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, dằn vặt về bản thân và chọn cách buông xuôi hay chạy trốn thực tại.

Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn do nhiều yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi đứa trẻ. Kết quả của một kỳ thi không chỉ phụ thuộc vào năng lực trí tuệ của sĩ tử, mà còn từ việc kiểm soát cảm xúc, khả năng vượt khó trong các hoàn cảnh khác nhau của các em. Trong đó, việc có sức khỏe tinh thần tốt nhất trước mỗi kỳ thi là điều vô cùng quan trọng và tạo nên sự thành công học tập của các sĩ tử.

Phụ huynh cũng không nên đổ lỗi cho chính mình vì điều này sẽ vô tình xoáy sâu vào nỗi đau của trẻ và khiến hai bên không thể vượt qua. Thay vào đó, chuyên gia gợi ý phụ huynh hãy nhìn vào những nỗ lực và ghi nhận sự cố gắng của con. Sử dụng “ngôn ngữ yêu thương”, “ngôn ngữ tích cực” sẽ giúp con vượt qua cú sốc thi trượt bình an, nhẹ nhàng hơn. - TS Nguyễn Thị Thắm

Bước vào các kỳ thi quan trọng, các sĩ tử không tránh khỏi cảm giác lo lắng, sợ hãi. Với nhiều học sinh, nỗi lo lắng này chuyển hóa thành các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, cảm xúc hành vi, trầm cảm... làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hiệu quả ôn tập. Thế nhưng, các em đều cố gắng gạt bỏ cảm xúc này để bước vào phòng thi trong tâm thế tốt nhất. Vì vậy, kết quả dù có ra sao cũng thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các em và nên được bố mẹ ghi nhận, đồng cảm và thấu hiểu.

TS Thắm chia sẻ: Khi nói chuyện với học sinh và gia đình, tôi thường nhắc đến câu chuyện“Con đáng giá bao nhiêu”, trong đó, tác giả nhấn mạnh đến việc giá trị của một cá nhân được những người thân yêu nhìn nhận từ bên trong con người chứ không phải qua các con số hay đánh giá của người khác. Nói câu chuyện này để phụ huynh giúp con học cách nhìn vào giá trị từ sâu bên trong và yêu thương chính mình.

Tiếp đó, phụ huynh hãy giúp con tìm ra phương án giải quyết vấn đề vì “khi cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra”. Phụ huynh có thể hỏi con: “Với kết quả này, bây giờ điều con mong muốn là gì?” để lắng nghe và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con; từ đó có sự định hướng, thay đổi mục tiêu phù hợp.

Nếu bố mẹ không thể định hướng, không biết làm cách nào gỡ rối cho con mình hoặc trẻ gặp phải vấn đề tâm lý nặng nề, gia đình nên cần đến sự can thiệp, hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Chuẩn bị dài hơi

Nhận định học cách vượt qua thất bại là một quá trình, TS Thắm muốn nhắn nhủ với phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị tâm lý trước mỗi kỳ thi, đặc biệt các kỳ thi quan trọng. Bố mẹ và con hãy dự báo các tình huống có thể xảy ra và thảo luận về phương án xử lý. Điều này giúp con đối diện với thất bại nhẹ nhàng hơn nhưng cũng vững tâm hơn trước kỳ thi.

Ngoài ra, phụ huynh cần nâng cao hiểu biết và thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con tại gia đình. Hoạt động này đã trở nên cấp thiết bởi hiện nay, vấn đề lo âu, trầm cảm của học sinh Việt Nam ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều em đã chọn cách tự tử. Áp lực từ học tập và các kỳ thi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và chỉ khi con có biểu hiện nặng mới đưa đến tham vấn, trị liệu tâm lý.

Bà Thắm cũng lưu ý, trước hết phụ huynh hãy hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý ở từng lứa tuổi khác nhau để có cách ứng xử phù hợp với con. Đơn cử, trong giai đoạn cuối cấp 2 lên cấp 3, bố mẹ cần làm bạn với con vì giai đoạn này, trẻ đang có cái tôi cao và khát khao khẳng định bản thân. Thay vì ép buộc, áp đặt, việc định hướng linh hoạt, trao quyền và cho con được lựa chọn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Tiếp đó, bố mẹ cần giữ kết nối với con thông qua nhiều hoạt động gia đình như đi dã ngoại, chơi thể thao, tâm sự, chia sẻ với con như những người bạn... Thậm chí, nhiều lúc phụ huynh phải giả vờ không biết để cho con có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, có như vậy, con mới chủ động chia sẻ, góp phần tăng sự gắn kết giữa hai bên. Ngoài ra, phụ huynh hãy cùng con xây dựng những giá trị riêng của gia đình.

“Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em, trẻ vị thành niên cần được nhận thức quan tâm đúng đắn và được nuôi dưỡng trong quá trình dài hơi, liên tục. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ huynh hãy luôn tin tưởng vào con, lắng nghe, thấu hiểu với con là rất quan trọng”, TS Thắm chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Thắm cho biết hiện nay, các trường phổ thông đã xây dựng phòng tư vấn học đường. Dựa trên mô hình này, các cơ sở giáo dục có thể nâng cao nhận thức của phụ huynh về vấn đề sức khỏe tinh thần của con để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh tốt nhất, hạn chế các nguy cơ rủi ro đáng tiếc cho các em…

Phụ huynh hãy chỉ ra cho con điều con đã làm được, những bài học qua sự kiện lần này; từ đó hãy nhấn mạnh vào giá trị của con và không quy giá trị này cho điểm số hay kết quả xét tuyển. Phụ huynh truyền cho con hiểu được rằng “Mỗi trẻ em có giá trị riêng và dù có như thế nào thì con đã làm tốt nhất có thể theo cách riêng…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ