Tỷ lệ thăm khám, sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý tăng trước, trong và sau mỗi mùa thi cho thấy ngày càng nhiều học sinh sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng bởi áp lực thi cử. Thậm chí, có em vì sự kỳ vọng lớn của bố mẹ, kết quả thi chưa tốt, tinh thần không vững… cũng dẫn tới hành vi thương tâm.
Những câu chuyện buồn
Nhiều năm trở lại đây, luôn có những câu chuyện thương tâm liên quan đến áp lực thi cử. Năm 2017, một học sinh lớp 9 ở TPHCM bị trầm cảm nặng, sau đó nhảy từ chung cư xuống đất tử vong. Một trong những lý do dẫn tới hành động của học sinh này bởi bị điểm 3 môn Tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm, môn học mà em tự tin nhất.
Năm 2018, nữ sinh 12 tuổi tại Hà Tĩnh tự sát ngay tại lớp học. Trong thư tuyệt mệnh của em có nội dung xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút và không tốt như kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô. Năm 2022, nữ sinh lớp 9 tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng tìm đến cái chết tại nhà - nguyên nhân đều liên quan đến học hành…
Đây chỉ là một số ví dụ về những vụ việc thương tâm học sinh có hành động tiêu cực vì áp lực học tập. Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của UNICEF (2018) về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh niên độ tuổi từ 14 đến 18, tỉ lệ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn và tăng động giảm chú ý.
ThS tâm lý lâm sàng, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn Tâm lý Family, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ về một trường hợp mình đang trị liệu. Đó là học sinh lớp 12, học giỏi, giành nhiều giải thưởng. Năm lớp 10, em từng nằm trong top 5 của lớp, nhưng về sau, kết quả học tập càng thụt lùi và không thể tham gia các kỳ thi.
Một trong những lý do quan trọng là áp lực điểm số quá lớn khiến em bị căng thẳng, dù làm bài ở lớp tốt, nhưng cứ thi giải lớn lại trượt. Vì chuyện này em đau khổ, suy sụp, không muốn đến trường, phải uống thuốc trầm cảm. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc em càng không thể đến trường vì lúc nào cũng thấy buồn ngủ. “Lúc tìm đến tôi trị liệu tâm lý, em đã có ý định tự sát rất cao”, ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung kể lại.
ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, thực ra kỳ thi chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi thực tế những trường hợp nói trên đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần từ trước đó. Có điều, cha mẹ, thầy cô không phát hiện ra, các em chưa tìm được người để chia sẻ.
Một trường hợp khác được ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ là câu chuyện về một nam sinh 18 tuổi, được cha mẹ đưa đến sau khi thi tốt nghiệp THPT. Nam sinh trong tình trạng mất ngủ, thiếu năng lượng, không muốn ra ngoài, chỉ muốn ngồi nhà, có ý tưởng và kế hoạch tự sát, cảm thấy đau khổ không tin tưởng và muốn nói chuyện với bất kỳ người nào, cảm thấy ai cũng soi xét, trêu chọc mình, mất tự tin và nhìn mọi thứ tiêu cực…
Nam sinh kể rằng mình rất thích theo nghề họa sĩ vẽ truyện tranh, nhưng cha mẹ làm kinh doanh nên muốn con phải nối nghiệp. Ba là người khắt khe, thường xuyên la mắng và chê trách con yếu đuối. Mẹ lại luôn bao bọc, sợ con sai, thất bại nên làm hết mọi việc hộ con. Dù mẹ nói không áp lực cho con, nhưng thời gian học thêm rất nhiều, được quản lý nghiêm ngặt, đồng thời hay so sánh với những người bạn khác, hoặc anh em họ hàng. Điều này khiến nam sinh cảm thấy bản thân vô ích, không có giá trị, ghét mọi người trong gia đình…
Nhiều học sinh cần trị liệu tâm lý
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, dù không có số liệu cụ thể của ngành Tâm thần học, nhưng tỷ lệ các bạn trẻ trong độ tuổi học đường tới thăm khám, sử dụng các dịch vụ tư vấn tâm lý tăng trước, trong, sau mỗi mùa thi. Nhiều bằng chứng nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ học sinh căng thẳng, lo lắng sợ hãi không đạt kết quả như mong muốn, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, xã hội.
Trên một diễn đàn có hơn 600 nghìn thành viên của học sinh Hà Nội, mỗi ngày đều có các đăng tải những dòng trạng thái ngóng chờ điểm trong sợ hãi. Thậm chí, nhiều học sinh đêm nào cũng gặp ác mộng bị điểm kém và tỉnh dậy trong đầm đìa nước mắt. Rõ ràng áp lực tự so sánh với bạn bè và những tưởng tượng tiêu cực đang bào mòn sức khỏe tinh thần của học sinh ngay cả sau khi đã thi xong.
Khi những áp lực quá nhiều, vượt qua khả năng ứng phó điều chỉnh của cá nhân dẫn đến những hành vi cáu gắt, ứng xử thiếu thân thiện với mọi người hoặc tự bạo hành trừng phạt bản thân thông qua những hành vi tự làm đau. Nhiều bạn có thể xuất hiện ý tưởng tự sát như một cách chạy trốn áp lực.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, sống trong nền kinh tế tri thức, giáo dục ngày càng được xem trọng và là con đường vững chắc giúp cá nhân tạo ra tri thức, giá trị, trở thành những nhà khởi nghiệp, sáng tạo đổi mới; qua đó lập thân, lập nghiệp và thành công. Ở bối cảnh thế giới, tương lai nghề nghiệp ngày càng trở nên bất định, mơ hồ thì nhu cầu giáo dục, được học lên cao ngày càng bức thiết, là con đường chắc chắn hơn để thành công, khẳng định bản thân.
“Kiến thức của nhân loại sản sinh hàng ngày luôn vượt quá khả năng tiếp thu của bất kỳ một cá nhân nào, nếu còn giữ quan điểm ôn luyện theo tiếp cận nội dung, đứa trẻ sẽ càng hoang mang và mất tự tin do càng ôn nhiều càng thấy mình không biết gì. Nhu cầu học tập lớn, mức độ đáp ứng của thị trường giáo dục công lập hạn chế khiến sự cạnh tranh các cơ hội vào học tại các ngôi trường danh tiếng càng cao. Sự thành kiến của cộng đồng về trường tốt, kém, phân biệt giữa trường công, tư khiến căng thẳng của các kỳ thi càng kịch tính hóa…”, PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Giáo dục đã chuyển trọng tâm từ tiếp cận nội dung sang năng lực; nhưng trên thực tế phụ huynh vẫn mắc kẹt trong chủ nghĩa thành tích, ép con học theo tiếp cận nội dung, ôn tủ, luyện đề. Nhiều phụ huynh vẫn coi điểm số là biểu thị của năng lực, quyết định sự thành công hay thất bại. - PGS.TS Trần Thành Nam