Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Thay đổi theo thực tế

GD&TĐ - Bộ Tài chính có lẽ không nên cứng nhắc phải 'đợi' đến khi CPI tăng 20% hay bởi do chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố đề nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, mức sống và phù hợp với chủ trương tăng lương kể từ ngày 1/7/2024, Bộ Tài chính vẫn “kiên định” với quan điểm chưa thể sửa đổi.

Theo đó, căn cứ quan trọng mà Bộ Tài chính đưa ra đó là Khoản 4, Điều 1, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, 2021 tăng 1,84%, 2022 tăng 3,15% và 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), do đó chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Và rằng, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng, nếu có 1 người phụ thuộc hoặc mức 22 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Một lập luận nữa được Bộ Tài chính đưa ra đó là thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021, Bộ đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể luật, trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần... để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự kiến đăng ký Chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta, cũng như thông lệ quốc tế...

Như vậy có thể thấy, nếu theo quy định của pháp luận hiện hành, việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là đúng. Tuy nhiên, hầu hết người dân cũng như các chuyên gia đều cho rằng, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh và giảm trừ phụ thuộc để phù hợp hơn với thực tế.

Phân tích cụ thể hơn về sự cần thiết phải điều chỉnh, một chuyên gia dẫn chứng, lạm phát trong 7 - 8 năm gần đây khá thấp, trung bình khoảng 3%/năm. Tính trung bình 10 năm gần đây, giá cả hàng hóa tăng khoảng 1,5 lần. Số thu từ thuế thu nhập cá nhân cũng tăng, GDP mỗi năm cũng tăng, lạm phát tăng nên chính sách phải thay đổi theo thực tế. Một chính sách duy trì gần 10 năm là chưa phù hợp.

Ý kiến khác thì cho rằng, thời gian qua, việc điều chỉnh thuế hoặc mức giảm trừ gia cảnh chỉ dựa trên một tiêu chí là lạm phát. Khi CPI vượt quá 20%, các cơ quan chức năng mới đề nghị chỉnh sửa. Điều này có nghĩa mới chỉ xét mức độ bào mòn của lạm phát với thu nhập, chưa tính đến chất lượng cuộc sống ngày càng cần được cải thiện là không ổn.

Hơn nữa, việc lấy lạm phát của năm nay cộng với năm sau để “tích lũy” đến mức 20% cũng chưa hợp lý vì mức lạm phát của năm nay dựa trên mặt bằng giá cả năm nay. Mức lạm phát năm sau lại dựa trên mức giá cả sang năm nên việc cộng các mức lạm phát là không đồng mẫu số, không khoa học. Khi xem xét mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên thu nhập bình quân đầu người, chi tiêu bình quân cũng như các yếu tố về an sinh xã hội và các vấn đề khác có liên quan.

Với những gì đã và đang diễn ra, Bộ Tài chính có lẽ không nên cứng nhắc phải “đợi” đến khi CPI tăng 20% hay bởi do chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ ký các văn kiện hợp tác Việt Nam-Cuba

Lễ ký các văn kiện hợp tác Việt Nam-Cuba

GD&TĐ - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước.