Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi): 'Mở cửa' đối tượng vay vốn

GD&TĐ - Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Điểm mới của dự thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất

Việc mở rộng đối tượng được vay vốn tạo cơ hội việc làm hứa hẹn góp phần giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức, phát triển bền vững cho mọi lao động. Ảnh minh họa: ITN
Việc mở rộng đối tượng được vay vốn tạo cơ hội việc làm hứa hẹn góp phần giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức, phát triển bền vững cho mọi lao động. Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Điểm mới của dự thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng diện được vay vốn tạo việc làm.

Mở rộng đối tượng ngoài nhóm ưu tiên

Tại Luật Việc làm năm 2013 quy định, đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động gồm: Người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân người có công với cách mạng.

Trong khi đó, trên thực tế một số nhóm đối tượng khác như: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và các đối tượng lao động khác chưa được quy định hoặc theo quy định của từng địa phương, chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (30 tuổi, quê Lâm Đồng) hiện đã sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Chị Thu chia sẻ, 7 năm trước, dù gia đình thuộc diện mới thoát nghèo, song thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Bố mẹ chị Thu thế chấp nhà vay ngân hàng để mở rộng việc trồng cà phê, song kết quả không như mong đợi dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế.

“Khi đó tôi mới tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Hành chính Quốc gia và dự định về quê làm việc. Thế nhưng, vì gia đình gặp khó khăn nên tôi quyết định đi lao động nước ngoài để dành dụm tiền giúp bố mẹ trả nợ. Tiền ở đâu để đi là một vấn đề nan giải. Tôi lại không thuộc nhóm đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau đó, may mắn, một cô giáo trước đây dạy tôi đã thương hoàn cảnh tôi khó khăn, cho tôi vay tiền để đi lao động”, chị Thu kể lại.

Chị Thu cũng cho rằng, tuy nhiều hộ gia đình không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nhưng thực tế kinh tế của họ không mấy khá giả. Thậm chí, họ vẫn còn phải lo từng miếng ăn mỗi ngày. Vì đó, để những gia đình trên có số tiền vài chục triệu đồng đi lao động là bất khả kháng. Vì vậy, khi nghe về đề xuất mở rộng nhiều trường hợp được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài, chị Thu bày tỏ rất ủng hộ.

Mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương đã ký các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài (theo hình thức thời vụ), nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật nên nhiều lao động cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, từ năm 2017 đến nay, mới hỗ trợ được gần 1.800 lao động.

Vì vậy dự thảo lần này hướng tới các đối tượng như: Người chăm sóc người khuyết tật nặng, hộ mới thoát nghèo, thân nhân người có công, người thuộc xã đặc biệt khó khăn, người có đất thu hồi; thanh niên sau nghĩa vụ quân sự, công an; thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình và người thất nghiệp.

mo cua doi tuong vay von2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Thêm cơ hội cho người yếu thế

Theo cơ quan soạn thảo, việc mở rộng diện được ưu tiên sẽ thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, nhất là người yếu thế, góp phần ổn định phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Giải pháp này cũng tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc duy trì, mở rộng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, chính sách này sẽ góp phần giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức, phát triển bền vững cho mọi lao động, thúc đẩy quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, thích ứng với già hóa dân số.

Theo Luật Việc làm hiện hành (hiệu lực từ tháng 1/2015), người lao động được vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án. Người được vay phải cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, một số chính sách phát sinh nhiều bất cập. Quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ luật Lao động 2019. Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quy định của luật chưa tương thích với việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ việc làm. Luật còn thiếu chính sách khuyến khích việc làm sáng tạo; chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động; giao dịch việc làm trên môi trường điện tử.

Theo cơ quan soạn thảo, sửa Luật Việc làm nhằm cải thiện chất lượng, tính minh bạch dịch vụ việc làm; cân đối cung - cầu lao động; nâng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động phổ thông. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Để thực hiện được chính sách này, ngân sách Nhà nước cần cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để huy động nguồn vốn vay. Nếu lấy lãi suất cho vay hiện hành là 7,92%, để huy động 10.000 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, ngân sách cần bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng. Con số này tương đương hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 100.000 lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.