Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư

GD&TĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đang được Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện với những tiêu chuẩn nâng cao.

Quy định về điều kiện để các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ đang gây tranh luận.
Quy định về điều kiện để các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ đang gây tranh luận.

Việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp là cần thiết, nhưng nếu quy định không phù hợp với thực tế vô hình trung sẽ trở thành rào cản với các nhà đầu tư trên thị trường.

Hạn chế hay bảo vệ nhà đầu tư?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đang được Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện với những tiêu chuẩn nâng cao, chuyên nghiệp nhằm lành mạnh hóa thị trường...

Tại Điều 11 về nhà đầu tư chuyên nghiệp, dự thảo quy định: Đối với tổ chức - công ty có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng phải hoạt động ít nhất 2 năm; Đối với cá nhân - cần thỏa mãn hai điều kiện: Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm đầu tư và giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất; có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm cả tổ chức và cá nhân nước ngoài. Đặc biệt, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp muốn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là tổ chức theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Chứng khoán.

Có nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao phải là 10 lần mỗi quý, mà không phải là 5 lần hay 20 lần? Tại sao cứ phải giao dịch nhiều mới là nhà đầu tư chuyên nghiệp, còn những nhà đầu tư có định hướng chiến lược nắm giữ cổ phiếu lâu dài, ít phát sinh giao dịch, dù quy mô đầu tư lớn, có kiến thức sâu rộng về tài chính, thì không được là nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Anh Nguyễn Hồng Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) đã có gần 10 năm trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu cho rằng, những điều kiện trong dự thảo hoàn toàn không có cơ sở và không phù hợp với thực tế.

“Nếu mình là người có khẩu vị đầu tư dài hạn, việc giao dịch trên thị trường sẽ không liên tục như những nhà đầu tư lướt sóng. Do vậy, nếu áp theo dự thảo quy định mới thì mình sẽ không đủ điều kiện để tham gia thị trường. Vô hình trung, quy định mới sẽ trở thành rào cản hạn chế quyền tự do và chủ động đầu tư của các nhà đầu tư”, anh Hải chia sẻ.

Nhiều chuyên gia tài chính đánh giá, cách đặt vấn đề như trên mang nặng tính “hành chính” và dường như để tránh… đổ lỗi khi có những vấn đề tiêu cực xảy ra với nhà đầu tư. Đề xuất này nếu được thực hiện sẽ khiến trái phiếu, chứng khoán mất đi vai trò là thị trường mà ai cũng có thể tham gia.

Nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 25 - 30% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế là rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm.

“Không loại trừ khả năng, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ rút khỏi thị trường nếu điều kiện trên được áp dụng. Thị trường vốn bởi thế sẽ lộ ra khoảng trống hàng nghìn tỷ đồng để cung cấp cho các lĩnh vực. Khi mạch máu bị teo tóp thì hậu quả là cơ thể không thể phát triển một cách bình thường được”, một chuyên gia cảnh báo.

Giữ tính ổn định thị trường

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nên giữ nguyên các tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân như quy định hiện hành, không nhất thiết phải quy định thêm điều kiện giao dịch chứng khoán tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất hay như thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Vì quy định như vậy sẽ hạn chế một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm mất đi một nguồn vốn lớn.

Thực tế, nhà đầu tư cá nhân đang nắm gần 27% khối lượng trái phiếu, chỉ sau ngân hàng thương mại. Việc siết điều kiện nhà đầu tư cá nhân được tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạn chế lực lượng vốn đang nắm giữ 1/4 khối lượng trái phiếu phát hành này tham gia thị trường trái phiếu.

Trong khi, theo mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 và 2030, mỗi năm cần trên 800.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mới, việc thiếu nhà đầu tư cá nhân có thể dẫn đến sẽ không đủ người mua.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, trái phiếu là một kênh quan trọng của doanh nghiệp, do đó, việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cũng cho rằng, chính sách mới cần cụ thể hơn ở những góc độ như: Hành vi thao túng dựa trên việc mua đi bán lại những cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian, xuất hiện các giao dịch chéo.

Ngoài ra, bổ sung thêm các quy định liên quan đến việc các nhà đầu tư chứng khoán bắt buộc phải xác định định danh điện tử thông qua căn cước công dân gắn chip.

“Đây là yếu tố để chúng ta xác thực được từng tài khoản chứng khoán được lập ra bởi những nhà đầu tư thực tế, chứ không phải là những nhà đầu tư ảo để một nhóm nhà đầu tư khác sử dụng thao túng thị trường”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Còn theo Luật sư Nguyễn Minh Đức, Đoàn Luật sư TPHCM, việc siết chặt các quy định về nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thu hẹp. Điều này sẽ làm giảm cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp, vì vậy, thay vì tăng cường các quy định, chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và tăng cường công tác giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) không ít ý kiến cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm đa dạng với các hình thức như: Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có lãi suất cố định hoặc biến đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc không có tài sản đảm bảo… việc đưa ra điều kiện bắt buộc như đề xuất sẽ hạn chế thị trường thậm chí là gây triệt tiêu, làm mất vai trò là kênh đầu tư của trái phiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.