Tầng lớp bị coi là tiện dân ở Nhật Bản

Bên trong căn phòng đơn sơ nằm khuất trong chợ thịt Shibaura, thủ đô Tokyo, nơi cung cấp thịt bò Kobe nổi tiếng của Nhật Bản, có một chiếc bàn chất đầy những lá thư mang nội dung đe dọa, công kích.

Tầng lớp bị coi là tiện dân ở Nhật Bản
tang-lop-tien-dan-o-nhat-ban

Những người làm việc trong lò mổ ở chợ thịt Shibaura. Ảnh: Mike Sunda

Theo BBC, chúng được gửi đến những người làm nghề giết mổ tại đây. Những người làm nghề giết mổ hay mai táng từ lâu đã bị gạt ra khỏi xã hội Nhật Bản. Định kiến này tiếp tục tồn tại đến nay, đặc biệt đối với những người làm trong lò mổ Shibaura.

Phải mất đến 10 năm một người mới có thể thành thạo các công việc yêu cầu nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và cả sự chịu đựng về mặt tâm lý này. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự tin nói về việc họ đang làm.

"Khi mọi người hỏi về công việc, chúng tôi rất ngại không biết trả lời như thế nào. Chúng tôi không muốn gia đình mình tổn thương. Nếu phải đối mặt với sự kỳ thị, chúng tôi sẽ đấu tranh với nó. Nhưng nếu đó là những đứa con bé bỏng, chúng sẽ không thể làm được điều đó. Chúng tôi phải bảo vệ con mình", Yuki Miyazaki, một người làm nghề giết mổ, nói.

Như nhiều người làm việc trong các lò mổ, Miyazaki được coi là thuộc tầng lớp Burakumin, hay tầng lớp "tiện dân". Từ Burakumin bắt nguồn từ thời kỳ phong kiến, dùng để chỉ người lao động làm các công việc được coi là không sạch sẽ hay liên quan đến cái chết.

Người thuộc tầng lớp "đáy", hay còn gọi là Eta, có thể bị samurai giết chết nếu phạm tội. Giữa thế kỷ 19, một thẩm phán thậm chí từng tuyên bố rằng một người Eta chỉ có giá trị bằng một phần bảy người bình thường. Dù được cho là mang tính công kích, từ Eta vẫn được dùng đến nay. Trong thư gửi đến lò mổ, người ta còn viết "các con vật bị Eta giết".

Hệ thống phân cấp trong xã hội bị bãi bỏ từ năm 1871 cùng chế độ phong kiến. Tuy nhiên, những rào cản trên con đường hội nhập của họ vẫn tồn tại. Các nhóm Burakumin bị cách ly khỏi xã hội trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Những năm 1960, nhiều hoạt động đã được thực hiện như hỗ trợ dự án cải thiện nhà cửa và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, phân biệt đối xử vẫn tiếp diễn.

Danh sách đen

Giữa những năm 1970, họ tìm thấy bản danh sách tên của những người làm công việc này cùng nơi ở. Thông tin được bí mật cung cấp cho các chủ sử dụng lao động qua thư và nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã sử dụng danh sách này để sàng lọc ứng viên.

Năm 2009, tranh luận nổ ra khi Google Earth sử dụng bản đồ khu vực Tokyo và Osaka trong đó xác định chính xác vị trí các làng Buraku trong thời phong kiến.

Theo khảo sát của chính phủ năm 1993, khoảng một triệu người đang sống trong hơn 4.000 nhóm Buraku trên khắp đất nước. Tuy nhiên theo Liên minh Giải phóng Burakumin (BLL), có khoảng 6.000 nhóm và ước tính gần ba triệu người.

Toshikazu Kondo, thành viên BLL, cho biết ngày nay họ vẫn bắt gặp các danh sách đen và chúng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

"Thay vì tập đoàn lớn thì nay, các cá nhân mua thông tin này để kiểm tra thân thế trước hôn nhân. Đây là một trong những minh chứng rõ nhất của tình trạng phân biệt đối xử chúng tôi thường phải đối mặt", ông nói.

Một nguyên nhân của sự kỳ thị kéo dài có thể là mối liên hệ giữa các nhóm Buraku và băng nhóm xã hội đen khét tiếng yakuza. Jake Adelstein, nhà báo Mỹ từng nghiên cứu về tội phạm ở Nhật trong 20 năm qua, ước tính một phần ba thành viên yakuza xuất thân từ cộng đồng Buraku.

tang-lop-tien-dan-o-nhat-ban-1

Một phần ba thành viên băng mafia yakuza được cho là xuất thân từ cộng đồng Buraku. Ảnh: Anton Kusters

Khảo sát của Tokyo năm ngoái cho thấy cứ 10 người thì một nói rằng sẽ ngăn con cái kết hôn với người có nguồn gốc Burakumin. Không chỉ họ chịu phân biệt đối xử, mà ngay cả công nhân bình thường trong lò mổ cũng chịu chung số phận dù có nguồn gốc như thế nào.

"Tôi còn nhớ một lần tôi và vợ đến thăm họ hàng của cha cô ấy. Khi tôi nói tôi đang làm gì, họ lập tức không rót bia cho tôi nữa", Yutaka Tochigi, 58 tuổi, chủ tịch Hiệp hội Shibaura, nói. Người đàn ông này không có nguồn gốc Burakumin.

Tochigi và Kondo đều hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

"Bạn không còn chứng kiến nhiều thù hận như trước đây nữa. Những người cố gắng làm điều đó đều phải trả giá ở tòa án", Kondo nói. "Chúng tôi vẫn nghe về tình trạng phân biệt đối xử ở nơi làm việc và các hình ảnh kỳ thị Burakumin, nhưng hơn hết, giờ đây đã có người thông báo cho chúng tôi khi điều này xảy ra".

Căn phòng nhỏ với chiếc bàn chất chồng thư ghét bỏ là một phần trong trung tâm thông tin của chợ thịt Shibaura. Bên cạnh chiếc bàn là bức tường được dán đầy những lá thư thuộc thể loại khác, như lời nhắn bày tỏ sự biết ơn của một nhóm học sinh từng đến đây để học về kỹ năng và và sự cống hiến của người lao động.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ