Ngoài ra, tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng dạy và học.
Tăng học phí gắn liền tăng chất lượng
Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nhắc lại, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra hồi tháng 6/2022, cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tạm hoãn tăng học phí năm học 2022 - 2023. Lý do, theo Nghị định 81 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10/2021, từ năm học 2022 - 2023 học phí tăng lên rất nhiều.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm tăng học phí, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và đông con trong độ tuổi đi học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. “Tại kỳ họp này, đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét để có chính sách phù hợp” – đại biểu Bố Thị Xuân Linh nói.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho hay, thời gian gần đây nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng, bên cạnh giá cả mặt hàng thiết yếu thì học phí cũng tăng. Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng.
Lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao (6%), thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu.
Hiện, nhiều địa phương bắt đầu áp dụng chính sách học phí mới được điều chỉnh theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Điển hình, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026. Theo đó, học phí đối với học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch rõ rệt, phân vùng theo khu vực thành thị, nông thôn và dân tộc thiểu số; trong đó khu vực thành thị có bậc học tăng đến 150%.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 – 2023. Ảnh minh họa: IT |
Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí
PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế - cho rằng, theo Nghị định 81/2021-NĐ-CP, một số trường đại học tăng học phí. Có Trường ĐH Luật và Trường ĐH Kinh tế sẽ tự chủ toàn phần, nghĩa là phải tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong bối cảnh chỉ tiêu cho các trường không tăng, kinh phí chi thường xuyên cũng bị cắt giảm, việc tự chủ toàn phần khiến hai trường này phải tăng học phí để bù chi. Tuy nhiên, mức tăng không quá cao.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nêu quan điểm, khi đưa ra mức tăng học phí nên so với thu nhập bình quân của người dân và phải có lộ trình tăng dần dần. “Hơn nữa, tăng học phí có đi kèm với tăng chất lượng dạy học” – TS Lê Viết Khuyến đặt vấn đề.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn; đề xuất chính sách học phí năm học 2022 - 2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Dự thảo này đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ. Theo đó dự kiến các nội dung: Học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ giữ ổn định bằng mức học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.
Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục.
Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực bị tác động do dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.
Nhấn mạnh, tự chủ đại học được quan tâm, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vẫn còn vướng bởi hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cách tiếp cận nặng về tài chính và đặt gánh nặng lên vai người học, bởi nguồn thu chủ yếu của các trường vẫn từ học phí.