Các trường có quyền tự xác định mức học phí
Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là hai trường đào tạo các ngành khối kỹ thuật tăng học phí theo hướng tự chủ, với mức tăng từ trên 15 triệu lên 25 - 30 triệu tùy ngành. Một số khối ngành xã hội, kỹ thuật, thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng tăng học phí, mức tăng dao động từ khoảng 10% - 30%. Theo phản ánh từ các trường, dù tăng học phí nhưng vẫn thu chưa đủ bù chi, do các trường bị cắt nguồn kinh phí ngay từ năm học mới, trong khi học phí tăng theo lộ trình và áp dụng với sinh viên khóa mới.
Liên quan đến học phí của các trường đại học tự chủ, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khoá XIV trao đổi: Theo quy định của pháp luật, những trường này, nhất là trường có chương trình đào tạo đã được kiểm định, học phí không cần tuân theo khung của Nhà nước. Các trường có quyền tự xác định mức học phí theo quy định hiện hành.
Ông Tứ viện dẫn, trước đây Nhà nước cấp ngân sách để phục vụ cho chi phí thường xuyên của các trường. Vì thế, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Nhưng khi các trường tự chủ, Nhà nước không còn cấp ngân sách nữa thì học phí trở thành phần thu để đủ bù chi của những trường này. Đây chính là áp lực khiến các cơ sở giáo dục đào tạo quyết định tăng học phí. “Đây là xu thế tất yếu và nằm trong quy định của pháp luật. Vì thế, các cơ sở đào tạo được phép tăng học phí theo hướng dẫn của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP” – ông Tứ nêu quan điểm.
Theo GS.TS Trần Đức Viên - Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kể từ năm 2015, học phí không còn nằm trong danh mục phí, lệ phí, được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ. Thế nhưng, học phí lại không được thực hiện đầy đủ cơ chế giá theo đúng bản chất vốn có của nó như đã quy định trong Luật Giá 2012.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học công lập được coi như đơn vị cung cấp dịch vụ, tự quyết định mức học phí trên cơ sở bù đắp chi phí đào tạo và có một phần tích lũy phù hợp với điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy, học phí được thực hiện đầy đủ theo cơ chế giá. Việc quy định mức thu học phí chung cho tất cả cơ sở giáo dục đại học công lập và chưa có hệ thống đánh giá minh bạch thông tin về chất lượng, năng lực của cơ sở đào tạo… đồng nghĩa với việc đánh đồng các trường như nhau. Do đó không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để trường đại học tồn tại và phát triển phù hợp với quy luật thị trường.
Số lượng nguyện vọng đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng đều qua các năm. |
Tạo môi trường học tập tốt hơn
Nhìn nhận về việc các trường tự chủ tăng học phí, TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Thư ký Đề án tự chủ đại học, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho hay: Thực tế trong mấy năm qua, khi các trường bắt đầu thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ, học phí của những trường này đều tăng, nhưng vẫn nằm trong giới hạn trần học phí mà Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, hầu như các trường đều có lộ trình tăng từng bước và chỉ tăng với những sinh viên khóa mới.
Ngoài ra, mức học phí của các trường cũng được xác định trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng của gia đình và bản thân sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi trường đều có quỹ học bổng cũng như chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên khó khăn, hoặc giúp đỡ để các em được quyền sử dụng tín dụng sinh viên. Đây là chính sách để bảo đảm sự tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người.
“Qua khảo sát sau khi được tự chủ, các trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, cũng như trang bị nhiều hơn kỹ năng mềm cho người học. Nhiều trường đưa vào sử dụng các tòa nhà mới với trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế; từ đó tạo môi trường học tập tốt hơn so với trước khi tự chủ” - TS Lê Việt Thủy nhìn nhận, đồng thời thông tin: Từ thực tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khi được Thủ tướng cho phép thí điểm đề án đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường tăng đều qua các năm. Điểm chuẩn duy trì ở mức cao.
Đặc biệt, đối với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế với mức học phí cao luôn có số lượng sinh viên đăng ký rất đông. Khảo sát sơ bộ những sinh viên năm thứ nhất sau khi vào trường, đều cho rằng mức học phí của nhà trường chấp nhận được; nhất là khi chính sinh viên so sánh với mức kinh phí mà gia đình bỏ ra khi học tại THPT.
Liên quan đến vấn đề học phí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Nghị định này thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Theo đó, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này áp dụng từ năm học 2021 - 2022. “Vào thời điểm chuẩn bị ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, dịch bệnh Covid-19 tương đối phức tạp. Bộ GD&ĐT đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021 - 2022 như năm 2020 - 2021” - Thứ trưởng cho hay.
Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, Thứ trưởng trao đổi: Bộ GD&ĐT được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau; đặc biệt là học sinh, sinh viên thuộc gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ cần thiết. Bộ tiếp tục có hướng dẫn để các cơ sở đại học căn cứ theo tình hình cụ thể có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn khách quan và khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là nhu cầu tổ chức dạy - học trong tình hình mới.
Theo TS Lê Việt Thủy, trước đây mức học phí được xác định trên cơ sở Nhà nước tài trợ phần chi sự nghiệp và chi thường xuyên, cũng như chi đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Khi thực hiện cơ chế tự chủ, các trường phải tự bảo đảm phần kinh phí của mình. Vì vậy những chi phí này sẽ từng bước được tính vào học phí nên so với trước khi tự chủ sẽ có sự gia tăng nhất định. Một lý do khác trong tăng học phí là các trường gia tăng đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ người học.