(GD&TĐ)-Giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng rất cao, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đang lỗ 2.000 đồng/lít; trong khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn. Vì vậy, việc tăng giá bán lẻ xăng dầu chỉ còn trong ngày một, ngày hai.
Hiện tại, Quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn, Bộ Tài chính đang tính đến phương án tăng giá bán đối với mặt hàng này |
Hiện tại, giá xăng thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore là 105,7 USD/thùng và giá dầu khoảng 113 USD/thùng. Với mức giá nhập khẩu này, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi suất ngân hàng, thuế, hoa hồng, kho bãi... mỗi lít xăng mà doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường đang lỗ khoảng 2.000 đồng/lít.
Để bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Tài chính đã tăng mức bù lỗ cho các doanh nghiệp, với xăng tăng từ 1.200 đồng/lít lên 1.650 đồng/lít; diezel tăng từ 1.600 đồng/lít lên 2.300 đồng/lít... Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.
Ngày 10/2, Bộ Tài chính đã có công văn số 1786/BTC-QLG về việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, mức sử dụng Quỹ đối với lượng xăng, dầu thực tế bán ra cụ thể như sau: xăng tăng thêm 450 đồng/lít (từ 1.200 đồng/lít lên 1.650 đồng/lít); điêzen: tăng mức sử dụng Quỹ BOG thêm 700 đồng/lít (từ 1.600 đồng/lít lên 2.300 đồng/lít); dầu hoả: tăng mức sử dụng Quỹ thêm 950 đồng/lít (từ 1.200 đồng/lít lên 2.150 đồng/lít), madut: tăng mức sử dụng Quỹ thêm 700 đồng/lít (từ 700 đồng/lít lên 1.400 đồng/lít. |
Theo đại diện của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn. Thời gian qua, Nhà nước và người tiêu dùng đã bỏ ra khoảng 11.000 tỷ đồng để bù giá. Trong đó, số tiền hỗ trợ từ giảm thuế là 7.500 tỷ đồng, còn lại 3.500 tỷ đồng là sử dụng từ Quỹ bình ổn giá.
Hiện nay, cơ quan quản lý không có quá nhiều sự lựa chọn để bình ổn giá; chỉ có thể sử dụng quỹ bình ổn để tiếp tục can thiệp vào giá hay sử dụng công cụ thuế và phí để hỗ trợ giá. Các chuyên gia kinh tế phân tích: giá trong nước và thế giới đã thông nhau, chính vì thế không thể để tình trạng giá trong nước và nước ngoài chênh nhau. Cơ quan quản lý chỉ còn 2 cách để xử lý. Một là thuế, hai là sử dụng tài trợ của nhà nước. Tài trợ nhà nước là thông qua ngân sách hoặc thông qua ngân quỹ bình ổn.
Theo tính toán của Cục Quản lý giá, Quỹ bình ổn năm 2010 có tổng thu là 4.400 tỷ đồng và đã sử dụng 3.505 tỷ đồng. Mức hụt tiền từ việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu so với barem thuế cho phép, là khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị tiền dùng để bình ổn giá xăng dầu năm 2010 lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Để giữ giá xăng ổn định và không tăng trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 15.1.2011, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xuống 0%, tương ứng mức hụt so với barem thuế lên đến 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Giờ đây, trong lúc tình thế cấp bách, chính Bộ Tài chính và Petrolimex lại không thống nhất được cách tính quỹ bình ổn. Hiện thuế xăng dầu đã về 0% nên yếu tố cốt lõi để giữ giá xăng dầu hiện tại là quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc sắp tới giá xăng dầu có tăng không, tăng bao nhiêu, phần lớn phụ thuộc vào số tiền còn lại của quỹ. Tuy nhiên, cách trích, sử dụng quỹ lại chưa có sự thống nhất giữa 2 đơn vị này. Phó tổng giám đốc Petrolimex Vương Thái Dũng cho rằng, không nên vận hành theo cách đang làm mà nên trích theo tỷ lệ bán của đầu mối. Nên quy định bao nhiêu phần trăm trên doanh thu của từng doanh nghiệp để dễ kiểm soát, dễ điều hành hơn.
Bên cạnh vai trò của Quỹ bình ổn giá và chính sách thuế, ngươi ta còn trông vào nguồn cung giá rẻ hơn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Song Petrolimex lại khẳng định: nguồn cung của Dung Quất chỉ bằng 1/6 tổíng nguồn xăng dầu cần thiết. Năm 2011, Pertrolimex dự kiến ký hợp đồng mua từ Nhà máy lọc dầu Dung quất 2 triệu tấn/m3 xăng dầu trong tổng công suất của nhà máy là 3 triệu tấn m3, trong khi tổng nhu cầu của toàn xã hội cả năm vượt trên 12 triệu tấn/m3. Điều quan trọng hơn là, mua xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo Petrolimex là không rẻ hơn so với nhập khẩu, vì nhà máy cũng bán với giá thị trường.
Bình ổn giá và giữ giá bán xăng trong bối cảnh lạm phát được xem là rất khó và vướng nhiều vấn đề. Sẽ càng khó hơn cho việc điều hành vì những loại nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất như than, điện, nước cũng đang muốn xin điều chỉnh tăng giá bán. Trong cái khó chung, chắc chắn cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc thận trọng để tránh tác động tăng giá cộng hưởng.
Tuy nhiên, theo khẳng định từ cơ quan chức năng, mức điều chỉnh sẽ được cân nhắc và cân đối giữa các lợi ích doanh nghiệp - người tiêu dùng và Nhà nước.
Ngọc Khánh