Việc thay đổi biên giới vốn là một chuyện khá nhạy cảm của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có một quốc gia thậm chí sẵn sàng dời biên giới để tặng cho người bạn láng giềng của mình một ngọn núi – đó là Na Uy.
Chính phủ Na Uy hiện đang cân nhắc việc thay đổi biên giới và tặng cho Phần Lan một ngọn núi nhân dịp nước này kỉ niệm 100 năm độc lập.
“Vẫn còn một vài khó khăn và tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng chúng tôi vẫn đang cân nhắc” – Thủ tướng Na Uy – Erna Solberg nói trên kênh truyền hình NRK. Ngày Phần Lan chính thức kỉ niệm 100 năm độc lập là 6/12/2017.
Nếu điều đó thực sự xảy ra, đỉnh của ngọn núi mới được tặng sẽ trở thành điểm cao nhất của Phần Lan. Hiện tại, đỉnh cao nhất của Phần Lan là 1.324m nằm trên ngọn núi hẻo lánh Hálditšohkka thuộc dãy Halti.
Việc tặng cho Phần Lan đỉnh cao mới được ông Svein Leiros – Thị trưởng Kåfjord (Na Uy) đánh giá là “một món quà tuyệt vời cho đất nước anh em.” “Tặng Phần Lan một đỉnh núi thì Na Uy chúng tôi cũng không mất mát nhiều. Đỉnh cao nhất của Na Uy hiện đang là Galdhøpiggen - cao 2.469m.”
Ý tưởng tặng núi làm quà sinh nhật này được nhen nhóm với một nhà địa lý đã nghỉ hưu - Bjørn Geirr Harsson, 76 tuổi. Hồi năm 1970, khi bay qua dãy núi Halti, Harsson đã khốn khổ vì nhầm lẫn vị trí biên giới.
Do vậy, tháng 7/2015, ông đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy và chỉ ra rằng hành động này sẽ chỉ lấy mất của Na Uy 0,015km vuông lãnh thổ quốc gia, mà lại khiến Phần Lan hạnh phúc.
Biên giới Phần Lan – Na Uy được xác lập năm 1750 là ông Harsson cho rằng nó khá vô lý. “Thật không may mắn và công bằng cho Phần Lan khi đỉnh cao nhất của nó lại nằm ở độ cao khá thấp.”, ông Harsson nói.
Đáp lại bức thư của ông Harsson, Bộ Ngoại giao cho biết họ đánh giá cao đề xuất này. Tuy nhiên, do điều 1 của Hiến pháp Na Uy đã quy định rằng đất nước này “tự do, là một vương quốc độc lập, tách rời và bất khả xâm phạm” nên việc tặng láng giềng một quả núi sẽ khá khó khăn.
Hiện tại, con trai Harsson đã lập một trang fanpage Facebook có tên “Tặng dãy Halti làm quà” để kêu gọi những người ủng hộ và đã nhận được những phản hồi tích cực từ cả Na Uy và Phần Lan.