Tăng đại biểu chuyên trách để tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội

GD&TĐ - Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách có năng lực, trình độ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là kinh nghiệm quan trọng được đúc rút qua hoạt động của các nhiệm kỳ Quốc hội.

Chất lượng của đại biểu chuyên trách quyết định quan trọng đến chất lượng hoạt động Quốc hội. Theo dự kiến cơ cấu Quốc hội khóa XV, tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ tăng từ ít nhất 35% lên 40% (trong tổng số 500 đại biểu); đồng thời giảm đại diện ở các khối khác như hành pháp, lực lượng vũ trang...

Tuy nhiên, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cần đi liền với triển khai tốt những giải pháp nâng cao chất lượng của khối đại biểu này. Đây là vấn đề cần được nghiêm túc xem xét, nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần.

Theo Nghị quyết số 1185 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người, trong đó dự kiến số lượng đại biểu chuyên trách ở Trung ương 133 đại biểu. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội là 67 đại biểu. Đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5 (vụ các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương), Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ngoài tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện như trình độ đào tạo đại học trở lên, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ Vụ trưởng, Giám đốc Sở, ngành.

"Yêu cầu là kiên quyết không để lọt vào những người không xứng đáng. Những người chạy chức, chạy quyền, người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên. Ở địa phương thì các chức danh Giám đốc Sở, ngành và tương đương trở lên", ông Đức cho biết thêm.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2 vừa qua đã thông qua danh sách 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương giới thiệu 130 người. Như vậy, so với 207 người ứng cử được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 1226 về cơ cấu thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức ở đơn vị trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thì thiếu 3 người thuộc khối đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương. Nhiều chuyên gia và cử tri bày tỏ đồng tình cao là cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chủ trương giảm đại biểu ở cơ quan hành pháp, đồng thời tăng đại biểu chuyên trách là chủ trương rất mới và phù hợp.

"Tôi tán thành với chủ trương của Đảng và Nhà nước, chủ trương của Bộ Chính trị cũng như của Quốc hội về giảm số đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, tăng các cơ quan chuyên trách của Quốc hội, đồng thời cũng phải tăng tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Để lựa chọn các đại biểu chuyên trách vào Quốc hội lần này, cuộc bầu cử sắp tới là hết sức quan trọng, làm sao để hiệp thương, lựa chọn được những người tiêu biểu trong số những người xứng đáng", ông Thường chia sẻ thêm.

Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với Đảng, với dân là rất lớn. Đại biểu Quốc hội phải nói được tiếng nói của người dân, phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của người dân trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách và phải bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Cử tri tin tưởng, bầu chọn những đại biểu Quốc hội sẽ đại diện được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trở thành đại biểu Quốc hội là một vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước cử tri và nhân dân. Mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội cần nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình trước cử tri để thuyết phục sự tín nhiệm của cử tri. Họ sẽ là đại biểu của nhân dân nên cũng được nhân dân giám sát ngay từ khi được đề cử và chính họ phải thể hiện được phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, lòng trung thành, khát khao cống hiến để được cử tri tín nhiệm và lựa chọn.

Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách bắt nguồn từ yêu cầu giải quyết công việc hằng ngày đang gia tăng trong các cơ quan của Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng số lượng đại biểu chuyên trách sẽ góp phần tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội bởi các đại biểu chuyên tâm làm công tác cho Quốc hội và không bị chi phối phân tán bởi những công việc khác, phát huy tính độc lập, tư cách chuyên trách đúng nghĩa. Vì vậy, việc đảm bảo tỷ lệ 40% đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Quốc hội khóa XV là vấn đề cần quan tâm, nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, mong muốn của đa số đại biểu Quốc hội là số đại biểu chuyên trách nhiều hơn, có được đại biểu Quốc hội chuyên trách toàn tâm toàn ý vào công việc.

Về tăng đại biểu chuyên trách cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc đảm bảo tỷ lệ 41% đại biểu chuyên trách của Quốc hội khóa XV sắp tới rất quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là chất lượng của đại biểu chuyên trách hay nói cách khác là chuyên trách phải song hành với chuyên nghiệp. Do đó, chỉ quan tâm đến số lượng, cơ cấu mà không quan tâm thỏa đáng đến tiêu chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải là người có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, đó là điều mà cử tri trông chờ.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là người có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn để tham gia hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô qua việc xem xét và quyết định các dự án luật và nghị quyết về kinh tế, xã hội, đáp ứng được yêu cầu làm việc độc lập và phải có mối quan hệ mật thiết với cử tri để có thể đại diện cho tiếng nói của cử tri. Đại biểu chuyên trách phải thực sự là cánh tay nối dài của các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, nếu đã tăng đại biểu chuyên trách thì phải tăng cả trung ương và địa phương để đảm bảo tính đồng bộ và chuyên nghiệp. "Nâng chuyên trách lên đối với Quốc hội là rất cần thiết, nhưng phải chú ý chất lượng của đại biểu chuyên trách để khi xây dựng luật phải đi vào thực tế, đi vào cuộc sống. Thứ hai là phải có kinh nghiệm thực tiễn. Tôi cũng mong muốn đại biểu chuyên trách vừa có kinh nghiệm vừa có trình độ năng lực học vấn đề về luật pháp vừa có thực tiễn kết hợp với các kênh thông tin để chúng ta đi giám sát, có như vậy khi đóng góp xây dựng luật mới có giá trị", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Nhấn mạnh chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng, số lượng đại biểu chuyên trách khóa XV cần đảm bảo tỷ lệ 40% tổng số đại biểu Quốc hội và gắn liền với nâng cao chất lượng đại biểu, đại biểu bình đẳng trong thảo luận quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Tuy nhiên, khối chuyên trách thường là nòng cốt của sinh hoạt nghị trường do họ dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không bị chi phối về thời gian và vị trí công tác như đại biểu kiêm nhiệm.

"Lực lượng chuyên trách là lực lượng 100% thời gian cống hiến cho Quốc hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải tăng cường lực lượng chuyên trách nhưng phải làm sao để lựa chọn được những đại biểu thực sự là những người am hiểu pháp luật, am hiểu tình hình thực tiễn và xã hội đất nước, có hiểu biết rõ ràng, sâu sắc về nhận thức chính trị", bà Khánh nêu thêm.

Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách có năng lực, trình độ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là một trong những kinh nghiệm quan trọng được đúc rút qua hoạt động của các nhiệm kỳ Quốc hội. Để thực hiện mục tiêu đảm bảo tỷ lệ 40% đại biểu chuyên trách xứng đáng đủ năng lực, tài đức thực hiện trọn vẹn vai trò đại diện dân cử trong nhiệm kỳ mới là yêu cầu và cũng là mong mỏi của cử tri. Quá trình lựa chọn không chỉ phụ thuộc vào sự sáng suốt của cử tri mà quy trình, cách thức tổ chức bầu cử, đảm bảo chặt chẽ, đúng luật cũng rất quan trọng./. 

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ