Tảng đá trắng linh thiêng của người Inca

GD&TĐ - Ở khu trung tâm Inca của Peru, ẩn mình trong những ngọn núi, có một tảng đá chạm khắc kỳ lạ ít người biết đến. 

Tảng đá trắng linh thiêng.
Tảng đá trắng linh thiêng.

Bị lu mờ so với những tàn tích nổi tiếng Machu Picchu nhưng địa điểm có tác phẩm điêu khắc bị lãng quên này lại là nơi linh thiêng nhất của đế chế Inca.

Khám phá Vilcabamba

Hiram Bingham, người khám phá Vilcabamba (ảnh chụp năm 1912).

Hiram Bingham, người khám phá Vilcabamba (ảnh chụp năm 1912).

Năm 1911, chính trị gia và nhà khảo cổ học người Mỹ, Hiram Bingham có kế hoạch nghiên cứu khoa học địa điểm cổ của người Inca ở Peru. Là một nhà leo núi thành thạo, ông cho rằng, mình có nhiều thuận lợi khi đi sâu tìm kiếm các tàn tích của nền văn minh Inca.

Tháng 7 năm đó, Bingham bắt đầu chuyến thám hiểm khảo cổ học do Đại học Yale (Mỹ) tài trợ, với mục tiêu khám phá “thành phố đã mất của người Inca”, được gọi là Vilcabamba.

Mặc dù, cơ hội tìm thấy địa điểm được coi là khá thấp, nhưng lòng dũng cảm và sự kiên định của Hiram Bingham đã dẫn đến thành công. Vilcabamba có khu định cư Vitcos tọa lạc được Bingham định vị, và thủ đô bí mật thứ hai của Inca một lần nữa có tên trên bản đồ.

Vitcos là nơi ở của những người cai trị và quý tộc, đồng thời cũng là trung tâm nghi lễ, cho đến khi người Tây Ban Nha chinh phục thành trì cuối cùng này của người Inca vào năm 1572. Khu vực này có địa hình khá gồ ghề, bao gồm những vùng đất thấp, núi cao, sông rộng và rừng rậm, khiến việc tiếp cận khá khó khăn, ngay cả ngày nay.

Người Inca chiếm đóng vùng đất này ít nhất là từ năm 1450. Vào thời điểm đó, họ đã thành lập các trung tâm lớn tại Vitcos, Vilcabamba, Machu Picchu và Choquequirao.

Sau cuộc chinh phục Inca của những người Tây Ban Nha, Vitcos hầu như bị lãng quên, còn tương đối hoang sơ trong nhiều thế kỷ, cho đến khi được Hiram Bingham tái phát hiện trong chuyến thám hiểm của ông vào năm 1911.

Xem những mô tả của người Tây Ban Nha để lại, Bingham tập trung vào một vùng gọi là “Rosaspata”. Cuối cùng đã đưa ông đến những khám phá về cung điện của Vitcos và tảng đá trắng thiêng liêng Nusta Hispana.

Tuy nhiên, Vitcos ít được mọi người viếng thăm và nó chưa được phục hồi, không như một số địa điểm Inca nổi tiếng hơn. Nó nằm ở một vị trí dễ phòng thủ, được bao quanh bởi các sườn núi dốc, chỉ có thể tiếp cận duy nhất qua một độc đạo hẹp. Tầm nhìn bao quát nơi các đèo núi tiếp cận địa điểm cho thấy, đây là một vị trí quan trọng trong khu vực.

Người Inca ưa thích Vitcos và đến đây cư trú vì độ cao của nó cao hơn Vilcabamba (2.980m so với 1.450m). Vitcos có khí hậu mát mẻ hơn và môi trường trong lành, được ví như ngôi nhà cao nguyên của người Inca.

Tảng đá linh thiêng

Tàn tích khu đền thờ của người Inca ở Vitcos.

Tàn tích khu đền thờ của người Inca ở Vitcos.

Nusta Hispana, hay “Tảng đá trắng linh thiêng”, nằm cạnh Vitcos, ở trung tâm của một khu đền, có chiều ngang rộng nhất khoảng 15m, cao 8m và được chạm khắc nhiều hình ảnh trên đó. Có một dòng suối tự nhiên chạy quanh tảng đá, hình thành một hồ sâu ở dưới chân nó. Các thầy tu Inca được biết đã đứng dựa vào vách đá thẳng đứng, kêu gọi các linh hồn ở dưới hồ này.

Những người Tây Ban Nha đầu tiên đến thăm Vitcos dưới triều đại của Manco Inca (một nhà cai trị Inca thời hậu chinh phục) và từng tham dự các nghi lễ quan trọng của người Inca tại tảng đá trắng này. Một số tài liệu cho thấy, Titu Cusi, con trai của Quốc vương Manco Inca, đã mời hai thầy dòng đến ở tại Vitcos.

Tuy nhiên, hai người này cho rằng, tảng đá trắng được dùng để thờ ma quỷ. Thực tế, truyền thuyết kể rằng, ma quỷ từng xuất hiện tại đây, gây thương tích và giết chết những người đến cúng bái và thường gầm lên một tiếng dữ dội khi ra tay. Chính vì vậy, những người Tây Ban Nha đã quyết định phá hủy địa điểm trên.

Theo Bingham, trong khi Titu Cusi có việc rời khỏi Vitcos, hai thầy dòng Garcia và Ortiz đã cùng những người bản địa cải đạo đến đốt cháy Đền Mặt trời và thiêu rụi tảng đá trắng nhằm mục đích trục xuất ác quỷ Lucifer ra khỏi nơi này.

Tuy nhiên, hành động trên đã khiến người Inca tức giận, họ suýt giết chết hai thầy dòng. Nhưng Titu Cusi được biết là một người khoan dung và dường như thực dụng về chính trị nên ông ta quyết định tha mạng cho cả hai. Ông chỉ trục xuất một người khỏi đế chế Inca, cho phép thầy dòng Ortiz ở lại.

Thật không may, quyết định này lại là án tử đối với Ortiz. Khi Titu Cusi đột ngột qua đời vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân, người Inca đổ lỗi cho thầy dòng về cái chết của thủ lĩnh họ và Ortiz đã bị tra tấn, rồi cuối cùng bị giết.

Ngày nay, gần vách đá của ngôi đền lớn, còn rải rác những hòn đá được chế tác đánh dấu nơi thực hiện các nghi lễ thiêng liêng của người Inca. Địa điểm này không còn bị lãng quên mà đang được bảo tồn, khách du lịch tỏ ra thích thú khi đến thăm và ngắm nhìn dấu tích tảng đá trắng, trái tim thiêng liêng của người Inca.

Theo Ancient- origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ