Những cây cầu treo thủ công của người Inca

GD&TĐ - Thời cổ đại, các cộng đồng người Peru (Nam Mỹ) thường tự phân chia làm 2 nhóm: Người trong và kẻ ngoài. Cứ 2 năm một lần, họ lại thi đua giành quyền thay tinkuqchaka (cầu treo được bện bằng cỏ cây).

Tinkuqchaka phải được thay mới 2 năm 1 lần.
Tinkuqchaka phải được thay mới 2 năm 1 lần.

Peru là vùng đất lắm núi cao, sông xiết và thác dữ. Đối với các bộ lạc bản địa, tinkuqchaka đóng vai trò thiết yếu. Nó khá mảnh, nhìn không khác gì sợi chỉ nối giữa hai bờ.

Cầu treo Inca

Peru thuộc một phần của dãy Andes hùng vĩ và hiểm trở. Bắt đầu từ khoảng năm 600, người Inca ở đây biết tận dụng các loại thực vật địa phương, bện thành thừng kết cầu treo.

Loại thực vật được người Inca chọn bện thừng cầu treo là pichus. Nó thuộc chi Sung đa (Ficus), dạng cây bụi, rất dai và bền. Tại nơi cần nối cầu treo, người Inca chặt và vác cành pichus đến. Họ bện các nhánh cây thành hàng chục sợi thừng dài cả 100m, gọi là thừng aqaras.

Sau khi bện đủ thừng aqaras, người ta chuyển sang làm đại thừng aqaras. Nó to bằng thân người trưởng thành, đóng vai trò là khung cầu treo.

Ở bên bờ sông phẳng hơn, người Peru đào hố, chôn cọc buộc đại thừng aqaras. Phía bờ đối diện (thường là tiếp giáp với vách đá), người ta chọn trước trụ đá tự nhiên vững chãi hoặc chất các khối đá lớn thành tháp. Đại thừng aqaras được kéo sang bờ đối diện bằng cách lôi qua cây cầu treo cũ, căng cho thẳng rồi buộc vào trụ đá.

Xong xuôi, người Inca cắt đứt cầu cũ, thả xuống sông. Họ đem thừng aqaras đan kín khung và lòng cầu dây, hình thành cây cầu treo mới.

Phương tiện đoàn kết

Bện thừng và kết cầu tinkuqchaka từng là việc chung của mỗi cộng đồng người Inca.
Bện thừng và kết cầu tinkuqchaka từng là việc chung của mỗi cộng đồng người Inca.

Mặc dù phân chia người trong và kẻ ngoài, giữa các cộng đồng người Peru cổ đại không tồn tại sự kỳ thị. Họ chỉ phân chia vì tin đây là sự cần thiết để duy trì sự cân bằng, tạo tinh thần phấn đấu, hướng tới sự thịnh vượng chung.

Thực chất, cả người trong lẫn kẻ ngoài đều là người Inca. Người trong chỉ những người gốc gác truyền đời ngay tại làng, còn kẻ ngoài là từ nơi khác di cư tới. Bình thường, các cộng đồng Inca không phân biệt người trong và kẻ ngoài. Chỉ khi đến thời hạn thay tinkuqchaka, họ mới chia đôi và thi đua giành quyền làm cầu treo.

Mỗi tinkuqchaka đều có 1 người phụ trách trông cầu, gọi là chakakamayuq. Người này có nhiệm vụ kiểm tra và gia cố cây cầu, cho biết thời điểm cần thay cầu dây mới.

Ngay khi nghe thông báo đến lúc thay cầu treo, cộng đồng người Inca sở hữu cây cầu sẽ tạm dừng các công việc thường nhật, lo chặt pichus mang tới sân tập trung Kumumpampa nằm gần chân cầu. Nam giới người trong và kẻ ngoài hình thành 2 đội, cạnh tranh quyền làm cầu.

Đầu tiên, họ thi đua làm xong 23 thừng aqaras dài 100m. Các cành pichus được cột thành từng bó nhỏ, mỗi bó 9 cành, rồi mới bện thừng. Người trong và kẻ ngoài vừa đua bện nhanh vừa trêu chọc, thách thức lẫn nhau. Phụ nữ Inca không bện thừng, nhưng nấu ăn và cổ vũ “giai nhà mình”.

Sau đua bện thừng là đua bện đại thừng. Bên nào xong trước thì thắng cuộc, được tuyên dương và tặng quà. Ngược lại, bên thua cuộc thì ngượng ngùng, mất mặt. Có điều dù thắng hay thua, cả 2 bên đều chung sức kéo dây, kết cầu. Sợi đại thừng aqaras cực nặng, phải mất hàng giờ mới được kéo và buộc xong.

Trung bình, việc thay cầu tinkuqchaka mất khoảng 5 ngày. Ban ngày, người Inca cật lực làm việc còn ban đêm, họ giao lưu, ăn uống, ca hát và nhảy múa. Đối với họ, tinkuqchaka là trách nhiệm và niềm tự hào của cả cộng đồng.

Ai cũng nỗ lực hết mình, mong đóng góp một phần công sức. Mỗi dịp thay cầu tinkuqchaka là 1 lần người Inca tụ tập cả làng, vui vẻ chung sức và thể hiện tinh thần đồng lòng nhất trí.

Biểu tượng dần mất

Cầu tinkuqchaka, biểu tượng văn hóa Inca.
Cầu tinkuqchaka, biểu tượng văn hóa Inca.

Suốt hơn 1.000 năm, cầu tinkuqchaka là biểu tượng của người Inca. Thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha chiếm Peru và hoàn toàn kinh ngạc trước kiệt tác cầu treo của họ. Giữa khung cảnh núi cao, hẻm sâu và sông dữ, nó chỉ như sợi chỉ mỏng manh.

Mỗi lần gió mạnh, cả cây cầu còn lắc lư như đánh võng. Dù vậy, con người và vật nuôi Inca thoải mái đi qua. Nhiều người còn vừa đi vừa mang vác đồ đạc nặng.

Có điều, mối quan tâm của thực dân là khoáng sản quý như vàng và bạc. Nhiều cây cầu tinkuqchaka bị bỏ mặc, tự mục nát và rơi xuống dòng sông.

Năm 1877, thế giới bên ngoài mới biết đến cầu tinkuqchaka Peru qua nhà khảo cổ người Mỹ lừng danh E. George Squier (1821 – 1888). Ông giới thiệu và phác họa cây cầu treo kỳ vĩ bắc ngang sông Apurímac. Nó dài trên 40m, nối 2 bờ vách đá dựng đứng.

Sau Squier, nhiều nhà thám hiểm và du khách các nơi đã đến Peru chỉ để tận mắt nhìn thấy cầu tinkuqchaka. Thế nhưng, như nhận định của chính triết lý Andes, “mọi thứ đều có hồi kết”.

Vào năm 1992, Peru chính thức có cây cầu cáp đầu tiên. Nó được dựng bằng sắt thép, an toàn và bền vững. Năm 2007, Peru khánh thành cầu đường lớn, cho phép ô tô chạy. Tinkuqchaka chỉ còn là cầu du lịch, để du khách ngắm và thử nghiệm đi qua. Không được quan tâm, thay mới, chúng mục nát và lần lượt biến mất.

Năm 2013, UNESCO công nhận kỹ thuật bện thừng kết cầu treo của người Inca là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tinkuqchaka một lần nữa được nhấn mạnh là biểu tượng văn hóa Inca.

Buồn thay, những hiện thân của biểu tượng này đã không còn nữa. Tháng 4/2021, tinkuqchaka còn sót lại nổi tiếng nhất, Queshuachaca (gần Thủ đô Cuzco) đã mục rơi vì thiếu bảo trì.

Theo Discovermagazine

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.