Nhóm khảo cổ nghiên cứu những hài cốt trẻ em 500 năm tuổi hiến tế trên đỉnh núi lửa Ampato và Pichu Pichu thuộc dãy Andes, IFL Science hôm 24/9 đưa tin. Họ phát hiện rất nhiều hài cốt từng bị sét đánh trúng.
Đây không phải sự trùng hợp. Nhiều khả năng sau khi hiến tế, thi thể trẻ em được mang lên đỉnh núi hoặc núi lửa, đặt trên một phiến đá và bỏ lại để chờ sét đánh.
Người Inca đặt những phiến đá phẳng đặc biệt này tại những nơi sét thường xuyên đánh trúng. Một số phiến đá có dấu vết sét đánh nhiều lần.
Sét đánh trúng nghĩa là các vị thần hài lòng với đồ tế. "Theo văn hóa Inca, người bị sét đánh nhận được vinh dự lớn vì các vị thần thể hiện sự hứng thú với người đó", Dagmara Socha - nhà khảo cổ tại Đại học Warsaw, cho biết.
Những cơn giông kèm sấm sét không hiếm gặp trên các đỉnh núi cao thuộc dãy Andes. Người Inca coi đây là nơi linh thiêng và gắn liền với các vị thần, ví dụ thần thời tiết Illapa. Việc hiến tế trong hoàn cảnh này cho thấy họ coi sét và trẻ em như cầu nối trung gian giữa thần linh với con người.
"Người Inca quan niệm trẻ em là nguyên vẹn và thuần khiết, chúng sẽ giúp thuyết phục thần linh đưa ra những quyết định cụ thể", Socha nói thêm.
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về phương pháp hiến tế này là hài cốt "cô bé sét".
Các chuyên gia tìm thấy hài cốt này cùng nhiều hài cốt trẻ em khác trên đỉnh núi lửa Llullaillaco, Argentina, năm 1999. Đó là một bé gái 6 tuổi với vết thương dễ thấy do sét đánh trên mặt và vai sau khi chết. Sọ của bé gái cũng bị cố ý kéo dài bằng biện pháp bó đầu, tục lệ cổ xưa dùng để thể hiện địa vị xã hội, tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Nghiên cứu mới cũng hé lộ thông tin về cuộc sống của trẻ em bị hiến tế. Cấu trúc men răng thay đổi cho thấy bé gái từng chịu đói một thời gian dài, hoặc trải qua giai đoạn cực kỳ căng thẳng lúc 2-3 tuổi.
"Tôi nghĩ có thể khi đó bé gái bị tách khỏi cha mẹ và đưa đến Cuzco, thủ đô Inca, bắt đầu 3 năm chuẩn bị để hiến tế trên đỉnh núi lửa", Socha nhận định.