(GD&TĐ) - Sáng 4/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng tính minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán, hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường, nhưng nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi luật cần đặt trong bối cảnh chung của thị trường tài chính trong nước và cả quốc tế để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh xung đột về mặt pháp lý. Một vấn đề khác chưa được đề cập trong dự thảo luật lần này nhưng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo Luật Chứng khoán hiện hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Có ý kiến cho rằng, với địa vị pháp lý này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không tránh khỏi bị hạn chế về thẩm quyền, không thể xử lý nhanh nhạy những tình huống phát sinh trên thị trường chứng khoán – trong khi đây là một thị trường có tính phức tạp và luôn có những diễn biến, thay đổi rất nhanh và chịu tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra cho rằng: địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là vấn đề lớn, ảnh hưởng, chi phối rất nhiều nội dung khác của luật, trong khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thi hành hơn 3 năm, cần có thêm thời gian để tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ. Hơn nữa, luật hiện hành cũng đã trao khá nhiều quyền hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, do vậy chưa nên sửa đổi những quy định về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong lần sửa đổi này.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), chứng khoán là lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự quản lý tập trung, trực tiếp, nếu không sẽ xảy ra hậu quả khôn lường nên trước đây Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Chính phủ, do Chính phủ quản lý. Sau lại giao cho Bộ Tài chính quản lý nhưng trong quá trình thực hiện cho thấy nhiều việc bộ chủ quản không ôm hết được, khả năng xử lý nhiều vấn đề chưa được nhanh. Vì vậy, dự thảo luật lần này nên sửa đổi địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo hướng trực thuộc Chính phủ để có sự lãnh đạo trực tiếp, kịp thời hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ được thành lập từ quyết định của Thủ tướng nên địa vị pháp lý không rõ ràng. Trong khi Ủy ban này có vai trò rất quan trọng. Mặt khác, thị trường chứng khoán tác động rất lớn đến các thị trường khác. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề nghị, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đặt dưới sự điều hành, giám sát chung của Chính phủ, nếu chỉ đặt dưới sự quản lý, giám sát của Bộ Tài chính là chưa phù hợp. Cũng liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo đại biểu Phan Đình Trạc (đoàn Nghệ An), trên thị trường chứng khoán hiện nay xuất hiện không ít các hành vi thao túng thị trường, kiếm lời bất chính, ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán nhưng chưa được xử lý nghiêm khắc. Một trong những lý do chưa ngăn chặn và xử lý được các hành vi này là cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ công cụ và thẩm quyền để xác minh bằng chứng gian lận. Dự thảo luật cần bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xác minh bằng chứng gian lận, giúp tăng cường phòng, chống, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật liên quan đến lĩnh vực tài chính như Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)… Sau khủng hoảng, các nước cũng ban hành nhiều luật để ngăn ngừa tái khủng hoảng trên thị trường tài chính nhưng việc này được tiến hành một cách hệ thống. Còn chúng ta mới tiếp cận một cách riêng lẻ theo ngành, theo lĩnh vực trong khi các thị trường chứng khoán, ngân hàng, tiền tệ… có liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Chứng khoán phải đặt trong bối cảnh chung của thị trường tài chính trong nước và cả quốc tế để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh xung đột về mặt pháp lý. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nêu ý kiến: về quy định điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của các tổ chức tín dụng, Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua quy định: Ngân hàng Nhà nước quy định những tổ chức tín dụng nào được chào bán cổ phiếu ra công chúng. Nhưng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán lại quy định phải thông qua Bộ Tài chính thì có vênh, mâu thuẫn với Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) hay không? Trong khi Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đến 1.1.2011 mới có hiệu lực thi hành. Nếu vậy thì xử lý như thế nào, có loại trừ các tổ chức tín dụng được quy định trong Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) không?
Khoản 13 điều 1 dự thảo Luật quy định: các công ty đại chúng dù niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính. Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành quy định này vì hiện có nhiều công ty đại chúng mặc dù chưa niêm yết nhưng có quy mô vốn và khối lượng cổ phiếu giao dịch rất lớn, nếu không áp dụng các chuẩn mực về quản trị công ty sẽ không bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Nghệ An), nhiều công ty không muốn niêm yết vì khi niêm yết đòi hỏi sự minh bạch về tài chính. Quy định như dự thảo Luật sẽ vừa bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu từ vừa bảo đảm bình đẳng giữa các công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng, góp phần thúc đẩy việc đưa công ty đại chúng vào giao dịch trên thị trường giao dịch có tổ chức, tăng tính minh bạch cho thị trường. Một số ý kiến cho rằng, công ty chưa niêm yết cũng phải thực hiện theo quy định quản trị của Bộ tài chính là đúng vì đây có thể là những yếu tố làm rối loạn, lũng đoạn thị trường. Nhưng muốn thực thi tốt thì khả năng tổ chức kiểm soát, quản lý, giám sát của các cơ quan dịch vụ phục vụ phải được nâng lên, nếu không có thể dẫn đến tình trạng hợp pháp hóa người làm sai, không phân biệt được giữa niêm yết thật hay niêm yết giả.
Cũng nằm trong những biện pháp tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên thị trường chứng khoán. Tán thành quy định này nhưng nhiều đại biểu đề nghị, ngay sau khi dự thảo luật được thông qua thì phải có nghị định hướng dẫn của Chính phủ kèm theo vì tính rủi ro, nhạy cảm của chứng khoán rất cao. Trong đó, đặc biệt phải quy định rõ chức năng kiểm tra, kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu không có chức năng này thì vai trò của Ủy ban rất thấp, khả năng có được những công cụ thực thi pháp luật bị hạn chế.
Quang Anh