Theo Ủy ban Quốc gia về trẻ em (Bộ Y tế), thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non tư thục. Trong đó có vụ việc xảy ra tại một cơ sở mầm non ở thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nhóm lớp mầm non Thu Sương, thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Vụ việc được phát hiện gần đây nhất xảy ra tại Trường Mầm non May Đáp Cầu, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh khi camera giám sát ghi nhận cảnh cô giáo bế bé gái vào góc khuất và sau đó đánh liên tiếp khiến dư luận bức xúc.
Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường rà soát, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở vi phạm quy định, quy chế tổ chức và hoạt động về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập trên toàn quốc.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quy định hiện hành cấm giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục có hành vi xúc phạm danh dự, thân thể của người học. Giáo viên mầm non phải đạt các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ và được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên.
Thông tư 49/2021 của Bộ GD&ĐT quy định, cơ sở giáo dục mầm non độc lập do cá nhân hoặc cộng đồng dân cư đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định. Việc hướng dẫn kịp thời cách nhận diện, xử lý các tình huống bạo lực, xâm hại chính là một trong những yếu tố then chốt giúp phòng ngừa và bảo vệ trẻ em hiệu quả.