Ngày 21/4, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai tổ chức hội nghị tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, nâng cao nhận thức thực hiện đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, những năm gần đây, tình trạng bạo hành trẻ em đang trở thành một vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
Các vụ việc không còn mang tính cá biệt mà xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó phần lớn xảy ra tại các nhóm lớp mầm non ngoài công lập, nơi có cơ chế giám sát lỏng lẻo, đội ngũ giáo viên thiếu ổn định, chất lượng tuyển dụng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Bà Hòa cho rằng, những vụ việc xảy ra không chỉ cho thấy áp lực, sơ hở trong công tác quản lý đội ngũ mà còn là cảnh báo nghiêm khắc về đạo đức nghề nghiệp và sự xuống cấp của một bộ phận người làm giáo dục, đặc biệt tại khối ngoài công lập.
Những sự việc xảy ra tại các nhóm, lớp mầm non độc lập, đặc biệt là chuỗi các vụ việc kéo dài suốt năm học 2024-2025 đã đặt ra dấu hỏi lớn cho toàn hệ thống quản lý giáo dục, cũng như cho tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của mỗi chủ cơ sở, của từng giáo viên.
Sự suy giảm này không nằm ở năng lực chuyên môn, mà nằm ở đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử và ý thức trách nhiệm với trẻ em, chủ quan trong tổ chức, buông lỏng trong quản lý và đặc biệt là sự xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục.
Để giải quyết những vấn đề này, bà Hòa nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện nghiêm túc Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục
Theo đó, Thông tư quy định Phòng GD&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung theo quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập và các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
Phòng GD&ĐT phối hợp với UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, đình chỉ hoạt động giáo dục nếu thấy có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hướng dẫn, tổ chức thực hiện chuyên môn đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập; chỉ đạo trường mầm non công lập hỗ trợ chuyên môn, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn....

Để tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, UBND phường cần tăng cường trách nhiệm hậu kiểm sau cấp phép, thường xuyên cập nhật, rà soát và nắm chắc thông tin về hoạt động của các cơ sở trên địa bàn, đặc biệt là những cơ sở có nguy cơ rủi ro hoặc đã từng có phản ánh.
Khi xảy ra vụ việc liên quan đến trẻ em, UBND phường cần trực tiếp chỉ đạo các lực lượng công an, y tế, văn hóa… phối hợp kịp thời với phòng Giáo dục và các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm, không để kéo dài, không để gây mất niềm tin trong nhân dân.
Phòng GD&ĐT yêu cầu toàn bộ các nhóm, lớp mầm non độc lập, tư thục nghiêm túc rà soát, khắc phục các tồn tại. Chủ cơ sở họp, triển khai đến toàn bộ giáo viên, nhân viên ký lại cam kết đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là cam kết không xâm hại thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ dưới mọi hình thức.
Đối với các cơ sở để xảy ra vi phạm mà không có giải pháp xử lý kịp thời, Phòng sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép theo quy định và xử lý rút giấy phép với những cơ sở yếu kém kéo dài.
Phòng sẽ kiến nghị UBND các phường chủ trì phối hợp với trong công tác kiểm tra đột xuất, đặc biệt tại các cơ sở có phản ánh từ phụ huynh, có nguy cơ tiềm ẩn hoặc có dấu hiệu vi phạm trước đó.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định sẽ không bao che, không né tránh bất cứ vi phạm nào, dù ở bất cứ cơ sở nào, phường nào, bảo vệ đến cùng quyền lợi, sự an toàn, danh dự của trẻ em. Phòng sẽ đồng hành cùng UBND các phường để không chỉ giải quyết vụ việc, mà xây dựng một hệ thống quản lý thực chất, sát thực tiễn.