Trường phổ thông mạnh dạn đầu tư cho trò sáng tạo Khoa học Kỹ thuật

GD&TĐ - Năm học 2017 - 2018, Nghệ An ghi nhận sự vượt trội về số lượng và chất lượng các dự án tham gia cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh. Từ cuộc thi này đã tạo động lực, khuyến khích các trường phổ thông đẩy mạnh phong trào sáng tạo KHKT, ứng dụng kiến thức bài học vào nhiều lĩnh vực của thực tiễn cuộc sống.

Thí nghiệm xử lý rác thải tại trường THPT thị xã Cửa Lò, Nghệ An
Thí nghiệm xử lý rác thải tại trường THPT thị xã Cửa Lò, Nghệ An

Sáng chế gắn liền cuộc sống

Đến trường THCS Hương Tiến (huyện Thanh Chương), hai nữ sinh Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh đang kiểm tra, hoàn thiện một số chi tiết của “balo chống đuối nước” trước khi chính thức đưa xuống TP Vinh dự thi KHKT cấp quốc gia. Đây cũng là sản phẩm đã giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức tháng 12/2017.

May Sao và Nhật Linh là học sinh dân tộc Thái, hằng ngày đến trường, học sinh phải băng qua nhiều khe suối, cầu tràn. “Đã có những sự cố không may xảy ra khi các bạn học sinh đi học qua vùng nước ngập, điều đó đã thôi thúc chúng em phải làm điều gì đó hữu ích để tự bảo vệ bản thân và bạn bè”, May Sao tâm sự. Sáng chế của hai em có tên là “balô chống đuối nước dành cho học sinh” một sản phẩm được thiết kế với hai chức năng chính là cứu đuối và báo động. Mặt khác, đối với học sinh, lúc nào mang đi học cùng mang theo balo nên rất tiện lợi.

Bề ngoài chiếc balô chống đuối nước không khác biệt so với nhưng chiếc cặp đi học bình thường. Nhưng 2 em sử dụng săm xe đạp cũ để làm phao cứu đuối và các thiết bị định vị, công tắc cảm biến... để làm thiết bị báo động. Khi người đeo balô bị rơi xuống nước, công tắc tự động đóng, còi báo động kêu xa khoảng 50m, giúp người xung quanh biết được đến cứu. Đồng thời, phao là giải pháp cứu đuối tạm thời trong khi chờ sự giúp đỡ từ người lớn.

Hai nữ sinh cho biết: Chúng em được thầy Trần Hưng Hoàn - giáo viên Vật lý trực tiếp giúp đỡ và hướng dẫn. Qua nhiều lần thử nghiệm tại sông, hồ cho thấy, balô có thể nâng một người có sức nặng khoảng 50kg nổi lên mặt nước mà không cần tác động nào từ cơ thể. Một ưu điểm nữa của sản phẩm là gần gũi và cần thiết với mọi học sinh, đặc biệt là giá balo chỉ khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng.

Không để học sinh thua thiệt về khoa học kỹ thuật

Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên, Nghệ An) là một ngôi trường trẻ, mới thành lập 10 năm. Đóng tại địa bàn vùng thấp trũng, học sinh là con em hộ nghèo chiếm gần 50%, nhưng tập thể nhà trường luôn cố gắng, tâm huyết để đảm bảo sĩ số học sinh, tạo môi trường học tập tốt, chất lượng. Đặc biệt, từ năm 2012, trường đã tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường, như một cách để tăng cường trải nghiệm, ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn của học sinh.Đồng thời tính vào điểm thi đua để tạo động lực cho học sinh tham gia.

Để có kinh phí hỗ trợ học sinh, nhà trường vận động xã hội hóa, kêu gọi các quỹ học bổng để tài trợ, đầu tư cho “chất xám”. Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ động liên lạc với các học sinh, các trường vùng lân cận có dự án KHKT đạt giải cao hàng năm để cho học sinh, giáo viên của trường mình giao lưu, học hỏi.

Cuộc thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học bắt đầu được phát động trong toàn ngành giáo dục Nghệ An từ năm học 2011 – 2012. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới, khó và đòi hỏi rất nhiều tính sáng tạo nhưng chỉ sau năm năm triển khai nhanh chóng trở thành một phong trào được đông đảo các trường THCS và THPT trong toàn tỉnh hưởng ứng.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Năm học này, với 241 dự án dự thi cấp tỉnh trong đó có 18 dự án dự thi cấp quốc gia, phong trào sáng tạo ứng dụng KHKT ngày càng được mở rộng và có chất lượng. Trong đó, có nhiều dự án có ý tưởng khoa học mới lạ, nhiều dự án mang tính thực tiễn, có tính khả thi cao. Cũng có nhiều đề tài tiếp cận những vấn đề lớn có tính khái quát cần kỹ thuật cao ở phòng thí nghiệm các trường Đại học, viện nghiên cứu... Từ đó tác động tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đồng thời cho thấy sự kết nối giữa trường phổ thông với các trường Đại học, CĐ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.