Bà Vũ Thị Tú Anh- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hơn 15 năm qua, tỉnh Gyeongsangnam hỗ trợ Việt Nam về dự án công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp đổi mới ứng dụng CNTT trong trường học. Từ 5 năm nay, tỉnh Gyeongsangnam tiếp tục thực hiện thêm dự án hỗ trợ về giáo dục đặc biệt. Vụ Giáo dục Thường xuyên thực hiện công tác điều phối cho các dự án.
Tiếp nối các hoạt động thường niên, năm 2021, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Sở Giáo dục tỉnh Gyeongsangnam đã tổ chức 2 khóa tập huấn trực tuyến về giáo dục đặc biệt cho cán bộ quản lý và giáo viên Việt Nam. Có 120 cán bộ quản lý các cấp học, 158 giáo viên tham gia và được phía Hàn Quốc cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.
Kể về quá trình thực hiện dự án hỗ trợ về giáo dục đặc biệt, ông Park Yong Hak- Viện trưởng Viện Giáo dục đặc biệt Gyeongsangnam cho biết: Năm 2016, sau chuyến đến thăm các cơ sở hỗ trợ giáo dục đặc biệt tại Hà Nội, nhận thấy lĩnh vực giáo dục trẻ em khuyết tật có những khó khăn cần hỗ trợ, Sở giáo dục tỉnh Gyeongsangnam quyết định hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án về giáo dục đặc biệt.
Liên tục các năm 2017, 2018, 2019, Viện Giáo dục đặc biệt Gyeongsangnam, Sở Giáo dục tỉnh Gyeongsangnam đã cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam để khảo sát và tổ chức 2 khóa tập huấn trực tiếp về giáo dục đặc biệt. Đã có 100 giáo viên đang dạy trẻ khuyết tật tham dự tập huấn.
Năm nay do tình hình dịch Covid, việc tập huấn được tổ chức trực tuyến. Trong khóa tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ về chính sách pháp luật của Hàn Quốc về giáo dục trẻ khuyết tật; các mô hình trường, lớp học hòa nhập và chuyên biệt; các kiến thức, kỹ năng, phương pháp tiên tiến và phổ biến nhất trên thế giới hiện đang được áp dụng tại Hàn Quốc để giáo dục hỗ trợ trẻ em chậm phát triển đang gặp khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi, vận động, học tập...
Những kiến thức rất hay, mới và hữu ích giúp cán bộ quản lý, giáo viên Việt Nam có thêm những tư duy, kinh nghiệm trong công tác giáo dục, từ đó có thể hỗ trợ học sinh có khó khăn trong học tập, học sinh học hòa nhập, học sinh khuyết tật tại cơ sở giáo dục được tốt hơn. Nhiều giáo viên sau khóa học đã những phản hồi, cảm nhận rất tích cực về khóa học.
Đánh giá về hiệu quả của các dự án hợp tác, bà Tô Thị Trà Ly- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Nhờ những kinh nghiệm học được từ phía Hàn Quốc, Trung tâm đã tham mưu UBND quận thí điểm mô hình “hỗ trợ học sinh khuyết tật học hoà nhập tại tại các Trường THCS, tiểu học công lập trên địa bàn Quận Thanh Xuân”.
Hiện việc thí điểm đang thực hiện tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi, THCS Nhân Chính, hỗ trợ 25 học sinh. Bước đầu việc hỗ trợ đã có những kết quả tích cực, giúp các em trong học tập, giao tiếp tốt hơn và tự chủ hơn. Hy vọng sau thí điểm, hoạt động hỗ trợ sẽ tiếp tục được thực hiện và nhân rộng tại các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng như các trường học khác.