Đài Loan: Trăn trở về giáo dục đặc biệt

GD&TĐ - Theo truyền thống, xã hội Đài Loan (TQ) có xu hướng xem trẻ em mắc chứng SEN (Nhu cầu Giáo dục Đặc biệt) như một nguồn gốc khiến cha mẹ chúng xấu hổ.

Đài Loan chỉ yêu cầu giáo viên phải học ba tín chỉ của các khóa học giáo dục đặc biệt. Ảnh: Mightifier
Đài Loan chỉ yêu cầu giáo viên phải học ba tín chỉ của các khóa học giáo dục đặc biệt. Ảnh: Mightifier

Trước đây, gia đình nào có con bị khuyết tật thường giấu ở nhà để tránh sự phán xét của dư luận xã hội.

Tăng nhu cầu giáo dục đặc biệt

Trước những năm 1970, nếu không được giấu ở nhà để tránh sự phán xét của bạn bè và hàng xóm, trẻ em khuyết tật thường được gửi đến các cơ sở có đội ngũ giảng viên kém chuyên môn mà không có chứng chỉ phù hợp. Trong nhiều trường hợp, những học sinh này bị áp dụng các biện pháp kỷ luật không theo quy định như trừng phạt thân thể và giam lỏng.

Sau Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người Khuyết tật năm 1975, chính sách về người khuyết tật của Đài Loan đã tìm cách theo kịp các tiêu chuẩn về tiếp cận phổ cập giáo dục và bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi sự phân biệt đối xử đã được thể chế hóa. Năm 1984, Đạo luật Giáo dục Đặc biệt, phần lớn dựa trên mô hình giáo dục đặc biệt của IDEA (Đạo luật Giáo dục Cá nhân Khuyết tật) của Mỹ, đã được thông qua làm chính sách giáo dục đặc biệt của Đài Loan.

Năm 2019, thống kê của chính quyền Đài Loan ước tính có tổng cộng 105.000 HS khuyết tật trên toàn hòn đảo, với xu hướng ứng dụng giáo dục đặc biệt ngày càng tăng khi nhận thức về khuyết tật của phụ huynh ngày càng mở rộng.

Theo Điều 11 của Đạo luật Giáo dục Đặc biệt, giáo dục đặc biệt dành cho HS từ tiểu học đến THPT chủ yếu có ba hình thức: Một lớp giáo dục đặc biệt tập trung, một phòng tài nguyên phi tập trung hoặc một chương trình tài nguyên lưu động. Những HS vượt qua kỳ thi xếp lớp và đánh giá - và đủ may mắn để có được một chỗ trong lớp giáo dục đặc biệt hoặc phòng tài nguyên trước khi đạt đến “hạn ngạch” do chính quyền quy định - được xếp vào một trong ba chương trình này.

Điều quan trọng cần lưu ý là giáo dục đặc biệt được chia thành giáo dục đặc biệt cho HS có năng khiếu bất thường và giáo dục đặc biệt cho HS khuyết tật ở Đài Loan. Hiện nay, trên 90% HS khuyết tật (các cấp) được đưa vào các chương trình giáo dục hòa nhập.

Việc giáo dục những đứa trẻ đặc biệt phải là một nỗ lực chung được hỗ trợ bởi các chuyên gia có trình độ. Ảnh: Fulbrighttaiwaneta
Việc giáo dục những đứa trẻ đặc biệt phải là một nỗ lực chung được hỗ trợ bởi các chuyên gia có trình độ. Ảnh: Fulbrighttaiwaneta

Thiếu hiểu biết của cộng đồng

Đài Loan đã áp dụng mô hình giáo dục đặc biệt IDEA của Mỹ, nhằm bảo đảm mọi trẻ em đều được giáo dục bình đẳng trong “môi trường ít hạn chế nhất”. Trẻ em nên được giáo dục với bạn bè của chúng bất cứ khi nào có thể. Vì vậy, chỉ khi tình trạng khuyết tật của trẻ nghiêm trọng đến mức cần thiết phải giáo dục riêng biệt thì trẻ mới nên học ở các lớp khác nhau.

Điều 18 của Đạo luật Giáo dục Đặc biệt quy định rằng tất cả trẻ em phải được giáo dục “dựa trên sự phù hợp, cá nhân hóa, bản địa hóa, khả năng tiếp cận và hòa nhập”. Ưu tiên tất cả việc giáo dục của trẻ em tại các trường lân cận của chúng.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa môi trường lý tưởng được quy định trong Đạo luật Giáo dục Đặc biệt và hoàn cảnh của HS bị SEN vướng vào sự phức tạp về kinh phí, giáo dục và hoàn cảnh gia đình. Mặc dù giáo dục hòa nhập là một mô hình giáo dục hấp dẫn theo xu hướng giáo dục đặc biệt trên thế giới, nhưng nó đã vấp phải những trở ngại trong việc thực thi một cách hiệu quả, khiến HS phải chịu những tác động của một nền giáo dục chưa hoàn thiện.

Theo Luật Giáo dục Đặc biệt, việc đào tạo GV ở Đài Loan chỉ yêu cầu người dạy phải học ba tín chỉ của các khóa học giáo dục đặc biệt. Chương trình đào tạo sơ cấp về cách giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt này là không đủ.

Nếu không có kiến ​​thức sâu rộng về cách trình bày thông tin hiệu quả cho HS với SEN, sẽ dành thời gian cho việc dạy các phương pháp không phù hợp và không mang lại kết quả tích cực. Thay vì giúp trẻ phát triển các cơ chế đối phó hiệu quả, GV có thể đưa trẻ ra khỏi các tình huống xã hội căng thẳng hoặc khiến trẻ tiếp tục với khối lượng lớn nội dung mà trẻ phải học trong mỗi tiết học.

Không chỉ GV không được bồi dưỡng đầy đủ, mà sự thiếu hiểu biết của cộng đồng về bản chất của khuyết tật cũng đã gây ra sự phản đối gia tăng đối với người dạy lớp học hòa nhập. Bất chấp những nỗ lực tận tâm của các GV, những người vốn đã phải gánh vác nhiều trách nhiệm hành chính bên cạnh công việc là nhà giáo dục, ​​những HS khuyết tật trở thành mục tiêu của sự phản đối và áp lực tiêu cực của xã hội.

Sự phổ biến của những nhận thức không chính xác đã dẫn đến một nền văn hóa ăn sâu vào nỗi sợ hãi và khó chịu trước viễn cảnh được giáo dục chung với một đứa trẻ bị khuyết tật. Phụ huynh có thể trình bày với GV yêu cầu không cho con họ ngồi cùng với HS khuyết tật. GV bị mắc kẹt giữa một đứa trẻ khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn và những bậc cha mẹ khó tính.

Học sinh khuyết tật trở thành mục tiêu của sự phản đối và áp lực tiêu cực của xã hội. (Ảnh: Taiwaninsight)
Học sinh khuyết tật trở thành mục tiêu của sự phản đối và áp lực tiêu cực của xã hội. (Ảnh: Taiwaninsight) 

Nỗ lực thay đổi

Phần Lan cũng là quốc gia theo mô hình giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, việc thực hiện nó gần với lý tưởng hơn là kết hợp hòa nhập xã hội và cung cấp hỗ trợ nghề nghiệp cho HS, SV có nhu cầu. Mỗi trường có một GV giáo dục đặc biệt có bằng thạc sĩ và thêm một năm đào tạo giáo dục đặc biệt. GV giáo dục đặc biệt làm việc với GV chủ nhiệm để hỗ trợ HS có nhu cầu đặc biệt.

Mặc dù, Đài Loan có thể không có đủ tài chính hoặc nguồn lực hành chính để tái tạo hoàn toàn cấu trúc giáo dục của Phần Lan, nhưng họ nhận thức được việc giáo dục những đứa trẻ đặc biệt phải là một nỗ lực chung được hỗ trợ bởi các chuyên gia có trình độ.

Phải tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về trẻ khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật về khả năng học tập để các em có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết thay vì bị buộc tội vì các vấn đề về hành vi. Cha mẹ cần hợp tác với các chương trình học tập chuyên biệt và hỗ trợ con em mình trong việc chẩn đoán và điều trị. Chỉ khi đó, giáo dục hòa nhập mới thực sự bao gồm tất cả HS, bất kể nhu cầu học tập của từng cá nhân.

Theo Taiwaninsight

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.