Hiểu biết về pháp luật sẽ giúp người dân giao tiếp tốt hơn với chính quyền (ảnh minh họa). |
Theo đó, kể từ ngày 2/10/2010, các hoạt động hỗ trợ pháp lý như tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc huyện nghèo sẽ có định mức tài chính hỗ trợ là 6 triệu đồng/xã/năm. Đối tượng được hưởng hỗ trợ pháp lý gồm người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Nhóm hoạt động thứ nhất là hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động như: Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng...; Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để giải quyết những vướng mắc pháp luật; Tổ chức sinh hoạt các Tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư,...
Nhóm hoạt động thứ hai là tăng cường năng lực cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tổ viên Tổ hòa giải và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể các hoạt động này bao gồm việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo.
Trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý còn bao gồm cả việc cung cấp báo Pháp luật Việt Nam cho UBND cấp xã và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã thuộc các huyện nghèo, hay việc biên soạn và cấp phát miễn phí tài liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải của các xã tại các huyện nghèo...
Theo định mức tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý trên đây, mức 16 triệu đồng/xã/năm (chia thành 2 đợt/năm) là để hỗ trợ tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về các xã thuộc các huyện nghèo; mức 90 triệu đồng/lớp/năm (với quy mô 8 lớp/năm) dành để hỗ trợ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã; mức 120 triệu đồng/lớp (tính theo 5 lớp/huyện/10 năm) hỗ trợ cho hoạt động tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho Tổ viên hòa giải....
Chính sách hỗ trợ pháp lý này xác định nguồn cán bộ tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý được ưu tiên lựa chọn từ chính những người đang sinh sống tại địa bàn các xã thuộc các huyện nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ đã có kinh nghiệm trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý. Đặc biệt là thu hút già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng các tộc người tham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Quang Anh