Học sinh trực nhật, lao động: Việc nhỏ, hiệu quả lớn

GD&TĐ - Hiện nay, việc khôi phục nền nếp trực nhật, lao động tập thể cho học sinh được thực hiện ở hầu hết các trường học. Một việc tưởng nhỏ, nhưng hiệu quả giáo dục không hề nhỏ, bởi đây là cơ hội tuyệt vời giúp học sinh trân trọng giá trị của lao động và rèn nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm…

Học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia hào hứng vệ sinh lớp học
Học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia hào hứng vệ sinh lớp học

Dọn vệ sinh trường lớp cũng là nhiệm vụ học tập

Là trường đầu tiên tại Hà Nội đào tạo theo chuẩn giáo dục Hoa Kỳ, cơ sở vật chất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, Trường phổ thông liên cấp Olympia vẫn duy trì hoạt động dọn vệ sinh trường lớp sau mỗi buổi học cho học sinh từ khối 1 đến khối 12. Đây cũng là một hoạt động học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh lớp học.

Tại trường này, hoạt động trực nhật được chia làm nhiều mức độ khác nhau phù hợp với lứa tuổi: Học sinh tiểu học lau bàn ghế, sắp xếp lại ngăn bàn, gấp giẻ lau bảng, sắp xếp bàn ghế…, lớp 4 có thêm nhiệm vụ lau hành lang, lớp học và hút bụi. Từ cấp 2, học sinh sẽ làm thêm một số công việc như lau bàn ghế, dọn nhà ăn và giúp các cô chú tại bộ phận nhà ăn chia cơm cho học sinh các khối lớp khác…

Theo cô Phương Hoài Nga, thành viên Ban Giám hiệu trường Olympia, qua hoạt động dọn vệ sinh trường lớp, nhà trường muốn giúp học sinh nhận ra rằng, trường học là nhà và mỗi bạn sẽ trở thành chủ nhân của ngôi nhà đó. Việc giữ gìn vệ sinh lớp học cũng chính là trách nhiệm của mỗi học sinh để giữ cho ngôi nhà của mình luôn sạch đẹp. Đây hoàn toàn là những công việc phù hợp với lứa tuổi của học sinh và không hề quá sức.

Hoạt động trực nhật được duy trì qua thời gian lâu dài sẽ được các con thực hiện một cách chủ động, tự giác ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống, hoàn toàn không cần đến sự nhắc nhở của các thầy cô giáo.

Phạm Ngân Hà - học sinh lớp 10 Trường Olympia - chia sẻ: Em và các bạn được phân công theo nhóm, mỗi người một việc và phải hoàn thành trước khi vào tiết học buổi chiều, vì vậy phải cùng hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để cùng hoàn thành công việc. Thói quen lao động trong thời gian ở trường cũng giúp em hiểu hơn công việc vất vả của những cô chú lao công trường và những công nhân vệ sinh đường phố.

Giáo dục lao động là nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức, góp phần hình thành con người phát triển toàn diện
Giáo dục lao động là nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức, góp phần hình thành con người phát triển toàn diện 

Giáo dục lao động giúp học sinh phát triển toàn diện

Hiện nay, hầu hết các trường học ở Bắc Giang, đặc biệt ở vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa, việc dọn vệ sinh lớp học, sân trường đều do học sinh đảm nhiệm.

Khẳng định điều này, ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang - cho biết thêm: Điều đáng quý là, những việc này đều do học sinh chủ động. Theo đó, Hội đồng tự quản phân công việc trực nhật, dọn vệ sinh khu vực lớp; Ban chỉ huy liên đội giao khu vực mỗi lớp chịu trách nhiệm vệ sinh trong trường.

Bên cạnh đó, lao động tập thể cũng đã thành hoạt động quen thuộc, thường xuyên trong các trường học của Bắc Giang. Tất cả nơi có đất trống trong trường đều được học sinh, dưới sự trợ giúp của phụ huynh và giáo viên trồng rau xanh, trồng hoa và cây cảnh.

Bên cạnh chú trọng rèn học sinh thói quen lao động ở trường, nhiều trường học đã chủ động liên hệ, phối hợp với địa phương để có những buổi lao động công ích, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm đẹp cảnh quan, di tích lịch sử ở địa phương…

“Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của phụ huynh trong hoạt động này. Học sinh được gia đình hỗ trợ không chỉ dụng cụ lao động, hạt giống mà cả công sức lao động.

Về phía Sở GD&ĐT coi đây là một tiêu chí thi đua, tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Bởi việc rèn thói quen trực nhật, lao động cho học sinh tưởng là nhỏ nhưng thực sự hiệu quả lại vô cùng lớn; giúp tăng hiệu quả hoạt động tự quản của học sinh; rèn các em kỷ luật lao động, tình yêu lao động. Mặt khác, đây cũng chính là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo hết sức hiệu quả góp phần giáo dục toàn diện học sinh” - ông Hà Huy Giáp cho hay.

Không chỉ ở Bắc Giang, nhiều Sở GD&ĐT trên cả nước đã có văn bản chỉ đạo các trường, nhấn mạnh yêu cầu duy trì nền nếp trực nhật, lao động tập thể.

Đơn cử, từ năm 2015, trong văn bản hướng dẫn triển khai một số công việc năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường học trên địa bàn không thuê dịch vụ làm việc này, chỉ thuê dịch vụ tại các khu vực như khu vệ sinh, sân trường. Định kỳ tổ chức các buổi lao động tập thể với sự tham gia của cả giáo viên, nhân viên và học sinh, nhằm tạo ý thức lao động, giữ vệ sinh chung và tạo cảnh quan sư phạm.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tập trung thực hiện nhằm triển khai thực hiện Quyết định 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Văn bản ghi rõ: Đưa hoạt động trực nhật, hoạt động vệ sinh trường, lớp học và các công trình trong khuôn viên nhà trường của học sinh vào nội quy, quy chế của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.