Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: Trong thời gian qua, trường đã đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Trong đó, giáo viên bộ môn của trường đã tích hợp các nội dung giáo dục về phát triển bền vững vào giảng dạy. Các nội dung như bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống ma túy và HIV, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống tham nhũng... được đưa vào các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD,Vật lý, Sinh học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, HĐNGLL.
Tại Trường THCS Hưng Phú, cô Đặng Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng trường cho biết: Nhà trường đã tích hợp các kiến thức của nhiều môn học, khoa học có liên quan mật thiết với nhau, đặc biệt là một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học như các chủ đề về chủ quyền biên giới quốc gia, bình đẳng giới, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường…
"Phương pháp dạy học tích hợp này đã giúp tăng cường tính tương tác xã hội trong giờ học giữa thầy và trò. Giáo viên sẽ có nhiều thời gian để sáng tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh khi học sinh đã tự học trước khi đến lớp.
Mặt khác, học sinh có thể thoải mái đặt câu hỏi, trình bày những thắc mắc và được giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ giải đáp kịp thời. Mối quan hệ thầy trò gần gũi, thân thiết và tốt đẹp qua từng buổi học", cô Trang chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Văn Tây, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cái Răng, để đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh, giáo viên phải lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm, nhận thức và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại.
Đồng thời, giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy phát huy tính tích cực, tăng cường tích hợp giảng dạy trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh.
Phối hợp nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh
Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao, muốn đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và xã hội.
Chia sẻ về công tác phối hợp giữa ba môi trường trong giáo dục học sinh, cô Đặng Thị Thu Trang cho biết nhà trường đã chủ động xây dựng cơ chế phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội bằng cách xây dựng quy chế phối hợp; tăng cường và đa dạng kênh liên lạc như báo cáo, gặp gỡ, đối thoại, sổ liên lạc..
Đồng thời trường phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện lối sống văn hóa, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức, bạo lực diễn ra ngoài xã hội
Kết quả là trong những năm qua, học sinhtại trường từng bước hiểu rõ và thực hiện tương đối tốt các kỹ năng đã được học, không xảy ra tình trạng bạo lực học đường, không có học sinh nào hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, chất ma túy.....
Thông qua việc thăm hỏi gia đình học sinh, các kì họp ban phụ huynh học sinh, phụ huynh các lớp, trường trang bị tới phụ huynh học sinh nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục để gia đình, xã hội cùng tham gia giáo dục có hiệu quả.