Trong clip còn có rất nhiều học sinh đứng xem, không can ngăn mà còn cổ vũ bạn đánh nhau. Trưa ngày 21/10, ông Trần Lê Thân Minh Tuệ - Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) xác nhận vụ học sinh đánh nhau trong clip được đăng tải trên mạng xã hội là học sinh của trường.
Vụ việc bạo lực học đường nêu trên không phải lần đầu tiên xuất hiện trong trường học, trước đây, đã có nhiều vụ việc tương tự, thậm chí mức độ bạo lực còn cao hơn. Sau khi xảy ra vụ việc, nhiều giải pháp được đưa ra để ngăn chặn nhưng không thể chấm dứt hành vi bạo lực học đường.
Bởi hành vi bạo lực học đường xuất phát từ ý thức của chính học sinh. Nếu học sinh có ý thức tốt, chấp hành nội quy, quy chế và quy tắc ứng xử trong trường học thì không thể xảy ra hành vi bạo lực. Và ngược lại, hành vi bạo lực chỉ xảy ra ở những học sinh có ý thức chưa tốt, đây chỉ là số ít trong trường học nhưng khi xảy ra nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hình ảnh của trường. Những nỗ lực, phấn đấu của nhà trường, giáo viên và học sinh có thể phải làm lại từ đầu do hành vi bạo lực học đường gây ra.
Khi vụ việc xảy ra, các cơ quan quản lý thường đặt vấn đề xử lý trách nhiệm đối với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và cả học sinh. Nhưng việc xử lý chưa thể trị tận gốc tình trạng bạo lực học đường hiện nay nếu không có giải pháp giáo dục hiệu quả, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các mâu thuẫn, xích mích của học sinh.
Học sinh đánh nhau, quay clip và tung lên mạng là vi phạm các quy định của pháp luật như Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…Nếu chiếu theo quy định thì phải xử lý nghiêm nhưng việc xử lý có lẽ chưa phải là biện pháp giáo dục, ngăn ngừa tốt nhất.
Lý do, hành vi bạo lực, cổ vũ đánh nhau hay quay clip tung lên mạng xuất phát từ nhận thức, ý thức của học sinh. Các em không thể biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật hoặc có hành động hò reo, cổ vũ, hùa…theo bạn để đánh bạn khác là nghĩ mình đang giúp bạn,…
Ngành Giáo dục đã ban hành rất nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để ngăn chặn bạo lực học đường; các trường đều đã xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, tăng cường các biện pháp giáo dục để ngăn chặn. Do đó, tình trạng bạo lực học đường thời gian qua đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nếu không triển khai các biện pháp hữu hiệu.
Để ngăn chặn bạo lực học đường, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống bạo lực cho học sinh; hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội đúng đắn, không nên đăng tải các hành vi bạo lực, không lành mạnh; phê phán và xử lý theo quy định đối với những học sinh có hành vi hò reo, cổ vũ cho việc đánh nhau,… Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm còn phải tăng cường quản lý học sinh, nhất là với học sinh cá biệt phải có phương pháp giáo dục, giám sát và uốn nắn đặc biệt, tuyệt đối không phân biệt đối xử, phải giúp các em hòa đồng, tham gia tích cực các hoạt động phong trào của trường, của lớp.
Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tăng cường các biện pháp giám sát đối với học sinh để ngăn chặn bạo lực học đường. Việc giám sát có thể thông qua camera, có thể thông qua phản ánh của học sinh hoặc các nguồn thông tin do các tổ chức đoàn thể và phụ huynh cung cấp.
Thông qua việc giám sát, nếu phát hiện có hành vi bạo lực hoặc có nguy cơ xảy ra bạo lực thì phải có biện pháp ngăn chặn. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể phối hợp với lực lượng công an địa phương để xử lý kịp thời, không để vụ việc bạo lực học đường xảy ra.
Mặt khác, nhà trường cũng cần cần chú trọng nắm bắt tình hình mâu thuẫn, xích mích để có biện pháp hòa giải, giữ gìn sự đoàn kết giữa các học sinh với nhau, đây là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất.