Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trường học

GD&TĐ - Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn trong trường học và phòng, chống bạo lực học đường đã được các địa phương, các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn để xảy ra một số vụ bạo lực học đường, mất an toàn cho học sinh. Mới đây nhất là sự việc 1 học sinh Hà Nội bị điện giật tử vong tại trường.

Hiện trường nơi học sinh tử vong vì điện giật tại trường Tiểu học Tuy Lai A (Hà Nội). Ảnh: VTV.
Hiện trường nơi học sinh tử vong vì điện giật tại trường Tiểu học Tuy Lai A (Hà Nội). Ảnh: VTV.

Để đảm bảo an toàn trường học, nhiều giải pháp đã được Bộ GD&ĐT triển khai. Trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc bảo đảm an toàn trong trường học và phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các trường học.

Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng; thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi các quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ.

Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với gần 700 điểm cầu sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trên toàn quốc về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, hội nghị nhấn mạnh toàn ngành cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” bạo lực học đường, trước hết là trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực học đường.

Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường và các hoạt động văn hóa trong trường học, các hoạt động này góp phần hạn chế bạo lực học đường thời gian qua.

Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có cơ sở, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được đảm bảo về cơ sở vật chất dẫn tới nguy cơ mất an toàn đối với trẻ; đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn trình độ đào tạo, thiếu nghiệp vụ sư phạm dễ có hành vi bạo hành trẻ, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.

Yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cở sở giáo dục mầm non ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng xử trí các tình huống đối với giáo viên mầm non và người chăm sóc trẻ.

Bộ GD&ĐT đề nghị các chính quyền địa phương trực tiếp quản lý đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là UBND cấp xã/phường/thị trấn để công tác cấp phép thành lập đúng quy định và huy động sự tham gia của ban ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở này và tăng cường công tác thanh kiểm tra, có các biện pháp phát hiện sai phạm và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết đình chỉ những nhóm trẻ độc lập tư thục không đủ điều kiện.

Đồng thời tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên và bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ