Bảo đảm phương án kĩ càng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các địa phương xây dựng kế hoạch trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả đạt được từ kỳ thi năm 2022.

Cô trò Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) trong giờ học.
Cô trò Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) trong giờ học.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thi năm trước cũng được đúc rút để chuẩn bị sớm, kĩ càng cho kỳ thi năm nay.

Phát huy bài học kinh nghiệm

Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng đúng với Quy chế thi. Chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra để có kế hoạch tốt nhất cho kỳ thi năm nay, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh trước tiên đến hệ thống văn bản chỉ đạo về kỳ thi của Bộ GD&ĐT đầy đủ.

Các hội nghị thi do Bộ GD&ĐT tổ chức, sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia đã định hướng các Sở GD&ĐT cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tổ chức thành công kỳ thi. Các khâu quy trình làm đề, coi thi, chấm thi được kiểm soát chặt chẽ, phản ảnh kết quả thật của kỳ thi.

“Ngay từ đầu năm, để nâng cao chất lượng kỳ thi, Sở GD&ĐT đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng phổ điểm thi tốt nghiệp năm 2023 và năm 2024. Theo đó, nhiều hoạt động chuẩn bị, kiểm tra đánh giá được chú trọng thường xuyên, nhận thức của đội ngũ, học sinh và xã hội về kỳ thi tiếp tục được nâng lên”, ông Nguyễn Tân cho biết.

Điều không thể thiếu, theo ông Nguyễn Tân còn là sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và sự phối hợp ủng hộ toàn xã hội đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về phía sở GD&ĐT, cần xây dựng được kế hoạch tổ chức kỳ thi khoa học, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận liên quan, kế thừa được những ưu điểm các năm trước.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế triển khai tại Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, trước hết cần làm tốt công tác truyền thông qua nhiều kênh. Nội dung thông tin phải thống nhất, kịp thời, công khai. Qua đó huy động được sự ủng hộ, phối hợp các cơ quan, đơn vị trong tổ chức kỳ thi; sự tin tưởng của cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Đồng thời, quán triệt đầy đủ, kịp thời văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới toàn thể những người tham gia kỳ thi. Phân công nhiệm vụ từng cá nhân rõ ràng, quy định đầu mối thực hiện, cách phối hợp, thời gian hoàn thành và sản phẩm công việc. Đây là yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiêm vụ, tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong các khâu của kỳ thi, hạn chế những sai sót có thể xảy ra.

Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh về công tác tổ chức thi kịp thời; phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố để tổ chức tốt kỳ thi trên địa bàn. Tổ chức ôn tập cho học sinh bám sát cấu trúc, yêu cầu kiến thức, kỹ năng… theo đề thi tham khảo của Bộ. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, bảo đảm an toàn, an ninh, đúng Quy chế. Tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi nghiêm túc, bảo đảm Quy chế, đúng thời gian quy định. Thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).

Chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật lực

Sở GD&ĐT Lào Cai thông tin, Kỳ thi tốt nghiệp THPT, toàn tỉnh dự kiến có 7.897 thí sinh đăng ký dự thi; 24 Điểm thi đặt tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng số 340 phòng thi (dự kiến), tăng 1 Điểm thi so với năm trước. Với số lượng thí sinh như trên, Lào Cai dự kiến huy động 1.650 cán bộ, giáo viên tham gia các khâu để tổ chức kỳ thi. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2023.

Với kỳ thi năm nay, ngành Giáo dục Lào Cai sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức ôn tập chuẩn bị kiến thức, kỹ năng; tạo tâm thế tốt nhất cho học sinh trước khi vào thi; quyết tâm nâng cao chất lượng các môn có thí sinh dự thi. Cùng đó, chú trọng việc lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi kỹ lưỡng, bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn Quy chế thi, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngành Giáo dục Lào Cai cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi. Đặc biệt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tại khu vực in sao đề thi, các Điểm thi, khu vực chấm thi. Có phương án cụ thể để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, duy trì thông tin liên lạc, nguồn điện, phòng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng đã ký ban hành hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu rõ công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Điểm thi. Cụ thể, thủ trưởng các đơn vị nơi đặt Điểm thi chủ trì, phối hợp với các đơn vị có thí sinh dự thi tại Điểm thi xây dựng phương án tổ chức kỳ thi; chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức thi theo đúng quy định.

Các đơn vị cần chuẩn bị tủ chứa đề thi, bài thi; kiểm tra hạ tầng CNTT có kết nối Internet phục vụ sử dụng phần mềm quản lý thi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự kỳ thi. Các trường đặt Điểm thi phải hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất chậm nhật ngày 20/6. Về cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi cần đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo Điều 5 của Quy chế thi; gửi danh sách coi thi, chấm thi về Sở trước 15/5.

Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Hà, các điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, đặc biệt về nhân lực và cơ sở vật chất, phát huy những cách làm đã đạt hiệu quả tốt năm 2022. Theo đó, về nhân lực, với cẩm nang coi thi, Hiệu trưởng các trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh phổ biến, tập huấn cho giáo viên trong từng trường để chuẩn bị sẵn sàng tham gia công tác coi thi khi được điều động.

Song song đó, trong 2 năm học qua, Sở đã vận dụng Quy chế thi tốt nghiệp để phân công nhiệm vụ cho giáo viên trong kiểm tra định kỳ, triển khai thực hiện thống nhất tại các trường THCS, THPT toàn tỉnh. Do đó, giáo viên cơ bản nắm được nghiệp vụ coi thi và thực hiện thường xuyên tại đơn vị nên việc điều động cán bộ coi thi không bị động.

Cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi được chuẩn bị sớm, đồng bộ. Như năm 2022, Sở GD&ĐT ban hành danh mục quy định về sơ sở vật chất, thiết bị tại Điểm thi trong đó nêu cụ thể yêu cầu về an toàn, vị trí bố trí… theo đúng Quy chế thi; mốc thời gian hoàn thành việc chuẩn bị và bố trí. Trên cơ sở đó các Điểm thi chủ động chuẩn bị, Ban Chỉ đạo cấp huyện hỗ trợ kịp thời; thuận lợi cho công tác kiểm tra của Sở và sự giám sát của lực lượng thanh tra, kiểm tra, công an tại điểm thi.

Thầy - trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thầy - trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tăng cường phối hợp

Tại Thừa Thiên - Huế, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho biết, triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng phổ điểm thi tốt nghiệp năm 2023 và năm 2024. Theo đó, nhiều hoạt động chuẩn bị, kiểm tra đánh giá được chú trọng thường xuyên, nhận thức của đội ngũ, học sinh và xã hội về kỳ thi tiếp tục được nâng lên.

Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường và các ngành hữu quan ở địa phương phối hợp tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn tại địa phương có tổ chức các kỳ thi. Đặc biệt lưu ý cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh và gia đình học sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm thi.

Sở cũng đẩy mạnh đợt cao điểm về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền các cấp, phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Chỉ đạo các cấp ở địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp học sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn được ôn tập, tham gia thi đạt kết quả tốt.

“Sở GD&ĐT đã lường trước khó khăn vướng mắc có thể phát sinh. Đó là phòng ngừa các phương án thay đổi nhân sự làm nhiệm vụ thi do nguy cơ dịch bệnh còn tiềm ẩn. Dự phòng các phương án tổ chức thi an toàn đối với những nơi thường xuyên có các sự cố về thiên tai, lũ quét như Nam Đông, A Lưới. Cùng đó, lưu ý những điểm mới, đáng chú ý trong kỳ thi để có sự chuẩn bị chu đáo, tránh bị động trong tổ chức. Trong đó, tăng cường phối hợp với bộ phận kỹ thuật của Công an ngăn ngừa những thiết bị công nghệ cao dẫn đến những tiêu cực.

Quản lý học sinh không rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian tự luận, phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống quản lý. Bố trí điện thoại cố định bảo đảm theo quy định của Quy chế trong việc thực hiện đầy đủ các khâu của kỳ thi. Thực hiện tốt chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh năm 2023”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở GD&ĐT đã triển khai văn bản hướng dẫn cho các đơn vị, trường học, đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ kỳ thi. Ngay sau khi Hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp năm 2023, Sở GD&ĐT triển khai hội nghị - tập huấn công tác thi cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục có học sinh lớp 12 để quán triệt các yêu cầu, nội dung công việc trong kỳ thi năm 2023.

Sở GD&ĐT đồng thời tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc cập nhật cơ sở dữ liệu về thông tin cá nhân của học sinh, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi hoàn tất công tác đăng ký dự thi, sở sẽ hoàn thiện số liệu đăng ký dự thi, chuẩn bị các địa điểm: In sao đề thi, Ban Coi thi, Điểm thi, chấm thi, phúc khảo bài thi cũng như kế hoạch tổ chức kỳ thi để cung cấp đến các sở, ban, ngành liên quan; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để phối hợp tổ chức tốt kỳ thi tại thành phố Đà Nẵng.

Nhiều địa phương với kinh nghiệm của các năm tổ chức thi đều nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm kỳ thi diễn ra đúng quy định. Sở GD&ĐT, Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi cần lập kế hoạch thật chi tiết về từng công việc.

Trong đó một số yếu tố quyết định việc tổ chức thành công của kỳ thi là chọn người thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ kỳ thi; chú trọng tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện công tác coi thi, chấm thi. Công tác phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố phải được triển khai nhịp nhàng, đặc biệt là quản lý về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ